Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân về quê phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, gồ 5K và tự theo dõi sức khỏe,… Bộ Y tế nhấn mạnh, “không cách ly y tế” đối với người dân.
Trong trường hợp có biểu hiện mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở... thì phải hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm và xử lý theo quy định.
Các địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng biện pháp không phù hợp.
Trước đó, nhiều tỉnh đưa ra những quy định khác nhau về xét nghiệm, cách ly đối với người từ địa phương khác về quê ăn Tết.
Cho ý kiến báo cáo dân nguyện tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18/1, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, quy định của Chính phủ nói rất rõ và yêu cầu thực hiện thống nhất: nếu tiêm đủ các mũi vắc xin thì khi về tự kiểm tra sức khoẻ, tự theo dõi ở nhà, chỉ phải xét nghiệm vào ngày đầu tiên. Tiêm chưa đủ 2 mũi thì cách ly 7 ngày, sau đó tự theo dõi 7 ngày; chưa tiêm mũi nào thì phải cách ly ở nhà 14 ngày và thực hiện xét nghiệm 3 lần…
"Nhưng thực tế thực hiện ở các địa phương, mỗi tỉnh một kiểu, không có nơi nào giống nơi nào. Có nơi quy định, về từ vùng cam, đỏ đương nhiên phải cách ly 7 ngày, có nơi 14 ngày, có nơi yêu cầu xét nghiệm 3-4 lần. Thậm chí, như ở Thanh Hóa, 30 hộ dân bị chính quyền cơ sở khóa cổng", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.
Tại Thái Bình cũng có trường hợp trưởng thôn giữ khoá gia đình có người bị cách ly. Người dân phải nhờ hàng xóm mua thực phẩm, thức ăn.
"Các địa phương rất lo lắng cho việc phòng chống Covid-19 và cũng rất quan tâm để không lây lan, nhưng các biện pháp thực hiện hơi quá so với quy định của Chính phủ và rất không thống nhất giữa các địa phương, gây tâm lý e ngại cho người dân chuẩn bị về quê ăn Tết", ông Tùng nhận định.
Ngày 19/1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh hoàn thành tiêm vắc xin; bảo đảm an toàn, hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong dịp Tết Nhâm Dần 2022.
Trong đó, yêu cầu các địa phương không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế, của Chính phủ, gây khó khăn không cần thiết cho người dân, nhất là trong dịp về quê ăn Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng trong dịp Tết, người dân nên hạn chế đi lại, không đi lại khi không cần thiết. Nếu về quê, nên có các biện pháp phòng dịch như chọn phương tiện an toàn khi đi lại, ưu tiên phương tiện cá nhân, không tụ tập ăn uống,…
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nhấn mạnh: “Người dân phải nghĩ Tết này vẫn là Tết chống dịch, Tết Covid, không thể là cái Tết bình thường như mọi năm. Vì vậy, chúng ta vẫn phải bật chế độ “chống dịch”. Cụ thể, nên hạn chế tụ tập, đi lại, tuân thủ nghiêm các khuyến cáo 5K, đặc biệt là về khẩu trang”.
Theo Quỳnh Anh (VietNamNet)