26 tỉnh, thành cấp 1 (bình thường mới), gồm: Bà Rịa Vũng Tàu; Bắc Giang; Bắc Kạn; Bình Thuận, Cao Bằng, Điện Biên, Đồng Nai, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang, Yên Bái.
37 tỉnh, thành cấp độ 2 (nguy cơ trung bình). Không có tỉnh, thành cấp 3 (nguy cơ cao) và cấp 4 (nguy cơ rất cao. Tuy nhiên, vẫn còn 14 huyện và 98 xã cấp 3; 2 huyện và 37 xã cấp 4.
Tỉnh Bình Dương hôm qua thuộc nhóm cấp 3, nhưng đến sáng nay đã cập nhật thành cấp 2.
Cả nước có 372 huyện xanh; 6.946 xã xanh; 287 huyện vàng; 2.790 xã vàng.
Trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương, có hai địa phương "xanh" là Hà Nội, Hải Phòng; 3 địa phương "vàng" là Đà Nẵng, Cần Thơ, TP HCM.
Bộ Y tế nhận định, sau gần 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng chống dịch. Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, số người mắc và số người tử vong trong thời gian qua liên tục giảm. Cuộc sống đang dần trở về trạng thái bình thường mới. Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch từ cố gắng dập dứt điểm ca bệnh sang "chung sống an toàn".
Đến tối 21/10, Việt Nam có 877.537 ca mắc Covid-19, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/ một triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ một triệu người có 8.911 ca nhiễm).
Trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), nước ta ghi nhận 872.811 ca, trong đó có 795.307 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số mắc tích lũy cao trong đợt dịch này: TPHCM (422.201), Bình Dương (227.328), Đồng Nai (60.081), Long An (33.999), Tiền Giang (15.331).
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)