Bộ Văn hoá sẽ xử phạt các lễ hội có nội dung bạo lực

30/12/2015 20:46:55

Lễ hội có tục chém lợn, đâm trâu, đập đầu trâu đến chết… nằm trong nhóm có nội dung bạo lực nên nếu không thay đổi cho phù hợp sẽ không được tổ chức.

Lễ hội có tục chém lợn, đâm trâu, đập đầu trâu đến chết… nằm trong nhóm có nội dung bạo lực nên nếu không thay đổi cho phù hợp sẽ không được tổ chức.

Lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng.


Trao đổi với VnExpress bên lề hội nghị Tổng kết công tác tổ chức lễ hội dân gian năm 2015, tổ chức ngày 30/12, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Văn hóa) Hoàng Minh Thái cho biết, các lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) có tục chém lợn, lễ hội Cầu trâu (Hương Nha, Phú Thọ) có tục dùng búa đập vào đầu trâu đến chết, lễ hội đâm trâu (Tây Nguyên)… đều nằm trong nhóm có yếu tố bạo lực. Theo thông tư 15, nếu không thay đổi cho phù hợp, các lễ hội này sẽ không được tổ chức và bị xử phạt theo nghị định 158 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo.

"Theo truyền thống, tục chém lợn, đâm trâu được tổ chức ở chỗ kín, linh thiêng, chỉ các cụ cao niên mới được chứng kiến, đằng này lại mang ra giữa sân đình để hàng ngàn người xem. Điều đó trái với truyền thống. Theo thông tư 15, các lễ hội có tục lệ này chắc chắn phải bị xử lý", ông Thái nói. Vụ trưởng Pháp chế cũng chia sẻ, mục đích chính vẫn là để nhân dân thực hiện đức tin của mình nhưng phải trong khuôn khổ và tôn trọng pháp luật.

Phát biểu trong hội nghị tổng kết, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hoá gia đình (Sở Văn hoá Bắc Ninh) Nguyễn Hữu Hoa cho rằng "chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật, các thông tư, nghị định trước đây, lễ hội làng Ném Thượng không vi phạm điều gì". Tuy nhiên, tục chém lợn giữa sân đình diễn ra trong lễ hội, những năm gần đây bị dư luận cho rằng không phù hợp với xã hội văn minh. Tiếp thu ý kiến, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp nhưng vẫn bảo tồn được truyền thống, tín ngưỡng.

Năm 2015, do ảnh hưởng bởi ý kiến của một số nhà khoa học cho rằng, lễ hội là của người dân, UNESCO cũng tôn trọng sự đa đạng văn hoá của cộng đồng dân cư nên các bô lão làng Ném Thượng vẫn chém lợn giữa sân đình. Việc làm này  gây bức xúc dư luận nên năm qua Ném Thượng đã trượt danh hiệu làng văn hoá.

"Thời gian qua chúng tôi tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị với sự tham gia của người dân Ném Thượng và các nhà nghiên cứu văn hoá, bàn về tục chém lợn. Lãnh đạo các cấp nỗ lực tuyên truyền, vận động nhân dân vì lợi ích chung của dân tộc mà điều chỉnh những hủ tục chưa văn minh như thay vì chém lợn giữa sân đình sẽ mổ lợn tế thánh ở nơi kín đáo. Tuy nhiên, ở đây có sự mâu thuẫn giữa quan niệm của địa phương với cộng đồng. Việc tuyên truyền vận động cũng gặp khó khăn vì trình độ nhân thức của người dân không đồng đều", ông Hoa nói.

Về việc năm 2016 còn tiếp diễn tục tổ chức chém lợn giữa sân đình nữa không, lãnh đạo Sở Văn hoá Bắc Ninh bày tỏ hi vọng nhận được sự đồng cảm của nhân dân để lễ hội làng Ném Thượng gây được ấn tượng tốt với dư luận.
 
>> Chém lợn, đập trâu, cướp lộc ở lễ hội sẽ bị xem xét lại
>> Lễ hội chém lợn Bắc Ninh: Máu tươi đẫm sân đình

Theo Quỳnh Trang (VnExpress.net)