Theo đó, ngày 1/11, Bộ VHTTDL nhận được 2 báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang về tình hình triển khai thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú, huyện Đồng Văn và tình hình triển khai thực hiện dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao, thị trấn Đồng Văn. Sau khi nghiên cứu, bộ này đã có ý kiến chính thức.
Đối với dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú, Bộ VHTTDL cho rằng, dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú mặc dù nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ của Di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú nhưng nằm trong khu vực cảnh quan chung của di tích.
Đồng thời, vị trí xây dựng của dự án nằm trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO ghi danh trong danh mục Công viên địa chất toàn cầu năm 2010, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại 2 quy hoạch: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 2057/QĐ-TTg ngày 21/12/2017, gọi tắt là quy hoạch phát triển du lịch) và quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đến năm 2030 (Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 07/4/2017, gọi tắt là quy hoạch xây dựng).
Do đó, quá trình triển khai dự án Khu du lịch có yếu tố tâm linh này, ngoài việc thực hiện theo các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, du lịch, tín ngưỡng, tôn giáo, các quy định của pháp luật liên quan, còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và 2 quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cụ thể: Tại quy hoạch phát triển du lịch, về phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo, đã xác định rõ các loại hình: "Du lịch địa chất: Phát triển trên cơ sở khai thác giá trị di sản địa chất và Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn; Du lịch cộng đồng: Phát triển trên cơ sở khai thác giá trị di sản văn hóa dân tộc; Du lịch thiên nhiên: Phát triển trên cơ sở khai thác các đặc trưng đa dạng sinh học và trải nghiệm thiên nhiên".
Tại quy hoạch xây dựng đã xác định: "Khu bảo vệ cảnh quan di tích Cột cờ Lũng Cú, diện tích 101,5 ha bao gồm phạm vi Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia Cột cờ Lũng Cú và khu vực phụ cận. Bảo vệ hệ sinh thái trên núi đá vôi kết hợp bảo tồn di tích Cột cờ Lũng Cú, cột mốc biên giới phía Bắc, phát triển du lịch tham quan, dã ngoại".
"Như vậy, Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú không thuộc các loại hình đã được xác định tại quy hoạch phát triển du lịch và quy hoạch xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", công văn nêu.
Bộ VHTTDL cũng cho biết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật Di sản văn hóa: "Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch" và Điều 15 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa (gọi tắt là Nghi định số 98/2010/NĐ-CP).
Tuy nhiên trên thực tế, dự án đã được triển khai thực hiện từ năm 2016 (theo Quyết định số 2676/QĐ-UBND ngày 04/11/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt chủ trương đầu tư dự án), nhưng đến tháng 3/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang mới có văn bản gửi Bộ VHTTDL để xin ý kiến đối với dự án này (trong hồ sơ, dự án còn đề xuất một số hạng mục dự kiến triển khai trong khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú).
Bộ cũng đã 2 lần có ý kiến bằng văn bản gửi UBND tỉnh Hà Giang để góp ý, hướng dẫn chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ dự án gửi Bộ xem xét, thẩm định. Nhưng cho đến nay, Bộ chưa nhận được văn bản đề nghị của UBND tỉnh Hà Giang về hồ sơ dự án đã hoàn chỉnh.
Bộ cũng đề nghị UBND tỉnh Hà Giang tuân thủ đúng các nội dung tại 2 quy hoạch nêu trên; các quy định của pháp luật hiện hành trong việc thực hiện dự án này và các dự án có liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói chung.
Đối với dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao, thị trấn Đồng Văn. Bộ VHTTDL thống nhất với quan điểm của UBND tỉnh Hà Giang về phương án xử lý đối với Dự án này, kiên quyết chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra toàn diện Dự án để có phương án xử lý dứt điểm sai phạm, đảm bảo tuân thủ nghiêm pháp luật về di sản văn hóa, các văn bản pháp luật khác có liên quan và định hướng quy hoạch tại khu vực này.
Theo Lê Bảo (Giadinh.net.vn)