Ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) - khẳng định, đến nay trình tự và quy định cụ thể liên quan đến phạt nguội thông qua hệ thống giám sát chưa được ban hành. Điều đó dẫn đến việc thực hiện các thủ tục trong quá trình xử phạt gặp khó khăn, vướng mắc.
Ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) |
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp chiều 19/10, trả lời báo chí về tính pháp lý xung quanh việc Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) từ chối đăng kiểm hàng nghìn ô tô chưa nộp phạt nguội theo danh sách của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) gửi sang, ông Đặng Thanh Sơn cho rằng, việc này liên quan đến quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, pháp luật liên quan đến quản lý phương tiện giao thông và sử dụng trang thiết bị nghiệp vụ phục vụ phát hiện vi phạm hành chính.
“Qua rà soát chúng tôi thấy, trình tự và quy định cụ thể liên quan đến phạt nguội thông qua hệ thống giám sát chưa được ban hành. Điều đó dẫn đến việc thực hiện các thủ tục trong quá trình xử phạt gặp khó khăn, vướng mắc. Điển hình như việc thông báo để yêu cầu trực tiếp người vi phạm tới cơ quan có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt, hay việc thông qua chứng cứ thu thập từ hệ thống giám sát đó xác định cụ thể đối tượng vi phạm đã đặt ra nhiều thách thức với cơ quan có thẩm quyền”- ông Sơn nói.
Ông Sơn cho biết, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã áp dụng quy định tại Khoản 6 Điều 4 Thông tư số 70/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó, không kiểm định đối với xe “đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”.
Chính vì thế, ông Sơn cho biết tới đây sẽ đề xuất với lãnh đạo Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an xây dựng ban hành thông tư quy định cụ thể về quy trình, trình tự xử phạt hành chính thông qua hệ thống giám sát về an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời sửa đổi, bổ sung cơ sở pháp lý trong Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
Trong khi đó, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng định đã tiến hành kiểm tra đối với Thông tư 70/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
“Chúng tôi đã có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Bước đầu xác định, riêng Khoản 6 Điều 4 Thông tư 70 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chưa được chặt chẽ, rõ ràng nếu đối chiếu với Luật Giao thông đường bộ, các quy định và thẩm quyền của Bộ trưởng Giao thông vận tải. Chúng tôi đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp để có trao đổi với Bộ Giao thông vận tải về việc này”- ông Ba cho hay.
"Không có khái niệm biển số xe đẹp" Trả lời câu hỏi của PV về việc có giữ lại các biển số xe đẹp để sau này tiến hành đấu giá hay không, bà Nguyễn Thị Mai - Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp khẳng định, Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính nghiên cứu đề án đấu giá biển số xe. "Tuy nhiên đến dự thảo được đưa ra tại cuộc họp gần đây nhất thì không có khái niệm biển số xe đẹp. Thuật ngữ của Bộ Công an cũng không dùng thuật ngữ biển số xe đẹp, chỉ định dạng biển số để đưa vào kho đấu giá mà thôi. Bộ Công an cũng đã kiểm tra thực tiễn ở một số địa phương, thấy rằng biển đẹp chỉ là do người dân định ra chứ không có khái niệm nào cụ thể cả"- bà Mai nói. Bà Mai cho rằng, khi đề án chưa được Chính phủ thông qua thì biển số xe vẫn được tiến hành cấp bình thường theo quy định hiện hành, không thể giữ lại một loại biển nào đó. Đến khi có đề án thì mới có thể biết biển số như thế nào sẽ được đưa ra đấu giá. |
Theo Thế Kha (Dân Trí)