Lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết, đã báo cáo Thủ tướng việc cảnh sát giao thông xử phạt phương tiện giao thông đường bộ khi không mang bản chính đăng ký.
Xử phạt có cơ sở pháp lý
Tại buổi họp báo quý III của Bộ Tư pháp, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết, liên quan đến việc Cảnh sát Giao thông xử phạt người điều khiển phương tiện ô tô tham gia giao thông không mang bản chính Giấy đăng ký xe, Bộ đã giao Cục Quản lý xử phạt VPHC và theo dõi thi hành pháp luật phối hợp với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và một số đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý.
"Trên cơ sở các ý kiến phản ánh, nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành và yêu cầu của thực tiễn, Cục Quản lý xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, trình lãnh đạo Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng", ông Đỗ Đức Hiển cho biết.
Giải thích thêm, Cục trưởng Cục Quản lý xử phạt vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn cho biết, hiện có khoảng 1,3 triệu các phương tiện giao thông đang thực hiện việc thế chấp tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Khi tham gia giao thông, những người điều khiển phương tiện giao thông có thế chấp sử dụng bản sao Giấy đăng ký xe có công chứng và chứng nhận của các tổ chức tín dụng nhận thế chấp đã bị Cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm hành chính
"Điều này dẫn đến sự hoang mang của người dân, có tình trạng nhiều người đang có ý định thực hiện phương thức thế chấp tại ngân hàng và tổ chức tín dụng để mua ô tô, xe máy cũng dừng việc này lại", ông Sơn nói.
Ảnh minh họa CSGT xử phạt. |
Báo cáo Thủ tướng quyết định
Ông Sơn cho biết thêm, quá trình nghiên cứu, đơn vị thấy đây là vấn đề liên quan đến nhiều quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Cụ thể, Nghị định 163, sau đó Nghị định 11/2012 sửa đổi bổ sung, quy định việc trong trường hợp tài sản thế chấp là tàu bay, tàu biển, phương tiện giao thông thì bên nhận thế chấp giữ bản chính Giấy chứng nhận quyền sở hữu các phương tiện này.
Khoản 1 Điều 320 Bộ Luật Dân sự (BLDS) 2015 quy định bên thế chấp có nghĩa vụ giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Khoản 6 điều 323 BLDS quy định quyền của bên nhận thế chấp được giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trong khi đó, pháp luật về giao thông đường bộ và xử phạt vi phạm hành chính và Luật giao thông đường bộ quy định người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo giấy đăng ký xe. Trường hợp người điều khiển phương tiện không mang theo giấy đăng ký xe sẽ bị xử phạt.
Các quy định pháp luật khác có liên quan như pháp luật về chứng thực quy định bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính, trừ pháp luật có quy định khác.
"Chúng tôi thấy thời gian qua lực lượng CSGT thực hiện việc xử phạt theo NĐ 46 là có cơ sở pháp lý, trên cơ sở thực hiện pháp luật về giao thông đường bộ và xử phạt VPHC", Cục trưởng Cục Quản lý xử phạt vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật nhận định.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, các tổ chức tín dụng giữ bản chính đăng ký phương tiện thế chấp để bảo đảm trong an toàn trong hoạt động kinh doanh của họ, để tránh rủi ro cao, tránh nợ xấu là một thực tiễn.
"Rõ ràng có một thực tế, hệ thống pháp luật hiện nay chưa đồng bộ. Đó là chưa nói đến Điều 58 Luật Giao thông đường bộ quy định người điều khiển phương tiện giao thông phải mang theo giấy lái xe, thì cũng có cách hiểu là không nhất thiết phải mang theo bản chính", ông Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Cục này, việc phải tuân thủ cả hai loại pháp luật liên quan đến giao thông đường bộ và giao dịch bảo đảm là khó cho người dân.
"Nếu tiếp tục xử phạt với người không mang theo giấy đăng ký xe bản chính có thể tác động tiêu cực đến hoạt động tài chính, kinh tế, người dân có thể không thực hiện việc thế chấp vay vốn nữa", ông Sơn nêu.
Cho nên, trong điều kiện pháp luật có những điểm không quy định cụ thể về việc người tham gia giao thông phải mang bản chính giấy đăng ký xe, phương tiện giao thông là vấn đề cần nghiên cứu, kiến nghị đề xuất xử lý.
"Cân nhắc tất cả những yếu tố trên, Bộ Tư pháp đã có báo cáo gửi Thủ tướng đề xuất phương án giải quyết trước mắt cũng như giải pháp dài hơi hơn. Đây là vấn đề nóng, văn bản gửi mang tính chất hỏa tốc.
Khi Thủ tướng có xem xét, cân nhắc, quyết định sẽ thông tin đến cơ quan báo chí sau", ông Sơn chốt lại.
Theo Hoàng Đan (Trí Thức Trẻ)