Bộ trưởng Y tế: Nguy cơ dịch Mers vào Việt Nam cao

09/06/2015 16:12:23

Ngày 8/6, tại Hội nghị tập huấn trực tuyến về giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh MERS-CoV cho 63 tỉnh thành, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Nguy cơ dịch MERS-CoV vào Việt Nam khá cao”.

Ngày 8/6, tại Hội nghị tập huấn trực tuyến về giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh MERS-CoV cho 63 tỉnh thành, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Nguy cơ dịch MERS-CoV vào Việt Nam khá cao”. Bộ Y tế cũng đưa ra 3 tình huống để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và phòng, chống dịch.
 
Bốn ca nghi nhiễm đều âm tính

Chiều cùng ngày, tại cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế cho biết có 4 trường hợp có biểu hiện sốt, ho đi từ vùng có dịch trở về nghi nhiễm MERS - CoV. Những trường hợp nghi ngờ này đã được cách ly và làm xét nghiệm. Kết quả cho thấy cả 4 trường hợp đều âm tính với MERS - CoV.

Chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo, Bộ trưởng cho rằng phác đồ điều trị không có gì thay đổi nhưng các bệnh viện phải rà soát lại về thuốc men, cơ sở vật chất, máy móc phòng dịch. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng cần được tăng cường, đặc biệt là truyền thông tại xã phường... Bà Tiến nhấn mạnh, trường hợp dịch xâm nhập thì phải khu trú không cho dịch lan rộng. Theo dõi, cách ly các trường hợp nghi ngờ và phòng chống nhiễm khuẩn cần được chú trọng tối đa.

Hành khách đến từ Hàn Quốc chiều 3/6 đang làm tờ khai y tế tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Anh Tuấn

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, tại châu Á, Hàn Quốc là quốc gia có số ca mắc MERS-CoV và tử vong cao nhất sau vùng Trung Đông với 65 ca nhiễm và 5 trường hợp tử vong, theo dõi hơn 1.000 trường hợp. Hiện có hơn 100.000 người Việt Nam sống tại Hàn Quốc và số lượng người Hàn Quốc sống và làm việc tại Việt Nam cũng rất lớn, đi lại giữa hai nước nhiều dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh vào Việt Nam là khá cao.

Bộ trưởng Tiến khẳng định: “Dù nguy cơ của dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là cao hay không cao, nhưng bằng mọi giá chúng ta không được chủ quan, lơ là, phải quyết liệt, sâu sát và chi tiết, phải điều trị hết sức nếu có bệnh nhân nhiễm bệnh. Do đó, chúng ta phải kiểm tra những nơi nào có người Hàn Quốc sống nhiều tại Việt Nam và giám sát chặt chẽ. Tiếp đó theo dõi tại cộng đồng, đặc biệt là phát hiện dịch phải phát hiện sớm, theo dõi bệnh phẩm nhiều lần, với những người lấy bệnh phẩm khác nhau để theo dõi nhiều khả năng. Chúng ta phải xem lại kinh nghiệm vụ dịch SARS cũng như công tác phòng chống dịch MERS-CoV của Hàn Quốc và cảnh báo về dịch bệnh MERS-CoV của Trung Đông”.

Ba tình huống ứng phó dịch MERS-CoV

Báo cáo tình hình dịch bệnh MERS - CoV, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, đến thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm MERS - CoV. Ông Phu cho hay, MERS - CoV là bệnh viêm đường hô hấp do virus corona mới lần đầu tiên được phát hiện tại Saudi Arabia vào tháng 9/2012. Đường lây truyền và thời gian ủ bệnh: từ động vật và người sang người. Những người có nguy cơ cao là những người già, có bệnh mãn tính. Hiện chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu.

 Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, dịch có khả năng lan truyền quốc tế nếu không nỗ lực kiểm soát, phòng chống tình hình sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn dẫn đến nhiều sinh mạng sẽ bị cướp đi, kinh tế xã hội ảnh hưởng trầm trọng và nguy cơ dịch sẽ lan truyền sang các nước khác là rất lớn. Tại Việt Nam, dịch MERS-CoV có thể xâm nhập và lây lan qua công dân trở về từ vùng có dịch, người dân từ các quốc gia khác đã xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch nhập cảnh Việt Nam.

TS Phu cho biết, Việt Nam đề ra kế hoạch 3 tình huống để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và phòng, chống. Cụ thể, tình huống 1 là chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam. Thực hiện giám sát, dự phòng tại bệnh viện, cộng đồng đối với những trường hợp viêm đường hô hấp cấp, hội chứng cúm tại các bệnh viện, các trường hợp nghi ngờ, có tiền sử đi từ khu vực có dịch, báo cáo ngay lập tức khi có ca bệnh nghi ngờ theo quy định.

Với tình huống 2 là xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam ngành y tế sẽ khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng. Tình huống 3 là khi dịch lây lan trong cộng đồng, ngành y tế sẽ đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và giảm lây lan ra cộng đồng.

Ngày 8/6 PGS-TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng ra thông báo khuyến cáo đối với những người đi du lịch đến các nước Trung Đông và Hàn Quốc, nơi dịch Mers- CoV đang bùng phát. Theo ông Phu, trong thời điểm này việc hạn chế đi du lịch tới các vùng đang có dịch, đặc biệt là đối với những người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch là cần thiết. “Nếu phải đi, cần tìm hiểu các thông tin tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân; lúc về phải khai tờ khai y tế khi nhập cảnh, tự theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 14 ngày và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh”- Khuyến cáo từ Cục Y tế dự phòng.          

Lê Nguyễn

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, chúng ta đang “gặp may” bởi yếu tố thời tiết. Bởi vi rút corona gây hội chứng MERS-CoV sống và phát triển tốt trong môi trường có nhiệt độ thấp hơn 20 độ C và độ ẩm khoảng 40%. Trong khi đó, hiện Việt Nam đang trong giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ lên khá cao và độ ẩm cũng cao, trung bình khoảng 60%. Do đó, dù không lơ là trước phòng chống dịch bởi chưa biết diễn tiến tiếp theo thế nào, nhưng cũng không nên quá hoang mang lo lắng.               

Quốc Ngọc


>> Ngành y "ngồi trên lửa", dân hồn nhiên hỏi "Mers là bệnh gì?"
>> Kết quả xét nghiệm: Nữ bệnh nhân không mắc bệnh MERS-CoV
>> Cách ly 3 người sốt nghi nhiễm MERS
>> Phải làm gì để đi du lịch không mắc bệnh MERS-CoV?

Theo Thái Hà (Tiền Phong)

Nổi bật