Thông tuyến khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế bội chi lớn?
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình trước UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội. |
Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc thông tuyến không làm gia tăng số lượt khám chữa bệnh chung và trong nhiều năm. Từ năm 2009 đến năm 2015, Quỹ Bảo hiểm y tế luôn có kết dư nhưng năm 2016, số thu BHYT cho khám chữa bệnh ước khoảng 64.000 tỷ đồng và số chi ước là trên 69.000 tỷ đồng (bội chi hơn 5.100 tỷ đồng).
“Mặc dù số chi BHYT cao hơn số thu nhưng đây là điều đã được dự báo trước khi chính thức điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Do có số kết dư từ những năm trước được bổ sung vào quỹ dự phòng nên lũy kế đến hết năm 2016, quỹ BHYT dự phòng vẫn còn khoảng 49.000 tỷ đồng. Quỹ BHYT vẫn đảm bảo cân đối, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân mà chưa cần phải điều chỉnh mức đóng góp BHYT trong ngắn hạn” – Bộ trưởng Y tế khái quát.
Nói về vấn đề được quan tâm tại phiên giải trình là tình trạng tiêu cực, lợi dụng, làm thất thoát quỹ BHYT như lạm dụng xét nghiệm, chỉ định kỹ thuật trong chẩn đoán bệnh; một người đi khám chữa bệnh, lấy thuốc rất nhiều lần trong thời gian ngắn để trục lợi…, Bộ trưởng Kim Tiến thừa nhận, đến nay vẫn chưa có biện pháp quản lý cũng như chế tài kiểm soát người đi khám chữa nhiều lần; nhiều nơi còn tình trạng chỉ định quá mức cần thiết; dịch vụ y tế và năng lực của nhiều bệnh viện chưa đáp ứng được hết nhu cầu và sự hài lòng của người bệnh…
“Một số bệnh viện tư nhân có xu hướng xin xuống hạng (từ hạng I, II xuống hạng III hạng IV) để được xếp tương đương với bệnh viện huyện để được áp dụng cơ chế thông tuyến. Thậm chí vì là một “doanh nghiệp” nên các cơ sở này có thể áp dụng các hình thức khác nhau như: tặng quà, hỗ trợ phần chi phí cùng chi trả của người bệnh, hỗ trợ tiền đi lại. Thậm chí là về tận địa phương đưa đón người bệnh để “thu hút” người có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh"- Bộ trưởng Y tế nói.
Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong – Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội đặt vấn đề, như báo cáo của Bộ trưởng Y tế, việc thông tuyến khám chữa bệnh mang lại nhiều thay đổi tích cực nhưng hậu quả tạo ra cũng rất lớn, cụ thể là làm thâm hụt quỹ bảo hiểm tới hơn 5.000 tỷ đồng, trong năm 2016.
“Thông tuyến dẫn đến tăng tần suất khám chữa bệnh của người dân, dẫn đến việc phá vỡ kết cấu tổ chức của hệ thống y tế. Trong khi đa số cơ sở y tế tuyến xã “đắp chiếu”, “ngồi chơi xơi nước” thì tiền phải chi cho hoạt động của các trạm xá, phòng khám này vẫn không giảm mà tuyến huyện, tuyến tỉnh ngày càng quá tải. Có phải thông tuyến nhưng chưa thay đổi cơ chế quản lý bảo hiểm y tế dẫn đến những bất cập?” – ông Phong chất vấn Bộ trưởng Y tế.
Đại biểu cũng đề cập tình trạng bệnh viện tuyến tỉnh lại xin xuống hạng thấp hơn để hưởng thông tuyến, cho rằng đây là nghịch lý “vô tiền khoáng hậu” và không biết hậu quả sắp tới sẽ thế nào.
Hãy đưa thuốc tốt và xã, về huyện cho bệnh nhân!
TS.Nguyễn Văn Tiên - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội băn khoăn, việc thông tuyến khám chữa bệnh có làm tăng chi bảo hiểm y tế? |
Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội – TS.Nguyễn Văn Tiên cũng nêu băn khoăn, việc thông tuyến có làm tăng chi không, sao báo cáo của Bộ Y tế cho rằng, thông tuyến chỉ tác động 13% đối với việc tăng chi quỹ BHYT?
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến quả quyết, nguyện vọng của người dân, của người bệnh được khám chữa bệnh ở tuyến trên, ở những bệnh viện tốt là chính đáng. Vấn đề lỗi là do quản trị, tổ chức, đầu tư chưa tốt chứ không phải do thông tuyến.
“Chúng ta thực hiện thông tuyến nhưng chưa chú ý đến y tế cơ sở nên người dân bỏ hết các cơ sở khám chữa bệnh cấp xã là tất yếu, trong khi bệnh viện TƯ toàn giáo sư, tiến sỹ đầu ngành tập trung. Vấn đề là phải phân hóa về tuyến bệnh, bệnh nào thì phải khám, chữa ở tuyến dưới, bệnh nào thì được lên thẳng tuyến trên” – bà Tiến nói.
Giải pháp đề ra, theo Bộ trưởng Y tế là tăng danh mục thuốc, danh mục kỹ thuật tại các tuyến dưới để phục vụ người dân. “Nhiều người bệnh đã nói với tôi: “Các bác đừng bắt chúng tôi hàng tháng phải lên tận viện Bạch Mai để lấy thuốc mà hãy đưa thuốc tốt về xã, về huyện phát cho chúng tôi” – người đứng đầu ngành đề cập việc xây dựng mô hình bác sĩ gia đình gắn với y tế tuyến xã, kiểm soát người bệnh bằng hồ sơ sức khỏe cá nhân… để giải quyết vấn đề.
“Chia lửa” với Bộ trưởng Tiến trên ghế nóng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cũng khẳng định, không phải thông tuyến dẫn đến bội chi BHYT mà có nhiều nguyên nhân trong đó lớn nhất là do tăng giá dịch vụ y tế (21%), tăng do đối tượng tham gia (8,4%) và các nguyên nhân khác (trong đó có yếu tố lãng phí, trục lợi, lạm dụng bảo hiểm).
Cơ bản nhất, theo bà Minh, quỹ bảo hiểm hiện vẫn đảm bảo cân bằng thu – chi, 5.000 tỷ sử dụng tăng thêm trong năm 2016 mới chỉ đụng đến phần dự phòng của quỹ.
Cả Bộ trưởng Y tế và Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội đều khẳng định quỹ bảo hiểm y tế chưa gặp nguy hiểm. |
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Phạm Khánh Phong Lan cũng nhận định, không nên cho là thông tuyến dẫn đến tiêu cực vì hiện tượng trục lợi bảo hiểm chỉ nằm ở một bộ phận nhỏ, không thể vì thế mà hạn chế quyền lợi của người dân. Những hiện tượng lạm dụng nêu ra chỉ cho thấy năng lực quản lý của cơ quan chức năng chưa tốt.
Tán thành quan điểm này, Giám đốc Viện huyết học và Truyền máu TƯ – Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cũng nhấn mạnh, vấn đề lỗi không phải ở người mua bảo hiểm, dùng bảo hiểm mà của cơ quan quản lý.
Tham gia ở nửa sau phiên giải trình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Thông tuyến là chủ trương đúng đắn vì quyền lợi của người dân. Lần đầu chúng ta thực hiện việc này nên có không ít khó khăn, thậm chí tiêu cực. Nhưng không vì thế mà làm lùi quyết tâm thông tuyến mà cần phải thông tuyến sớm ngày nào tốt hơn ngày đó cho người dân”.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, không vì thông tin có hiện tượng khám vượt tuyến nhiều, bội chi hơn 5.000 tỷ đồng mà đặt ngược lại vấn đề thông tuyến. Bởi lẽ, các con số đều “biết nói”, rằng khi thực hiện thông tuyến, người dân được hưởng lợi.
Theo P.Thảo (Dân Trí)