|
Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp |
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, ông Mai Tuấn Anh đề xuất Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng vốn điều lệ cho VEC trước khi CPH từ 1.018 tỷ đồng lên 22.161 tỷ đồng, bao gồm: vốn điều lệ của VEC (1.1018 tỷ đồng), tổng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư trực tiếp vào 5 dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành (20.876 tỷ đồng) và kinh phí sau đấu thầu các trạm thu phí (267,6 tỷ đồng).
Về phương án chuyển nhượng các dự án do VEC quản lý và khai thác, ông Mai Tuấn Anh thông tin, trước mắt đơn vị đề nghị thành lập hai công ty cổ phần dự án (CTCP) là Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Theo đề xuất của VEC, vốn điều lệ của CTCP dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình là 900 tỷ đồng, thời gian khai thác dự án 30 năm (tính từ 2016) với mức lợi nhuận kỳ vọng cho nhà đầu tư là 18%/năm. Trong khi đó, số vốn điều lệ tại CTCP dự án TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là 4.670 tỷ đồng, thời gian khai thác dự án 24 năm tính từ năm 2016 với mức lợi nhuận kỳ vọng cho nhà đầu tư là 18%/năm.
"CTCP dự án có quyền và trách nhiệm vận hành, khai thác thu phí, bảo trì các tuyến đường cao tốc, khai thác các dịch vụ dọc tuyến đường và hoàn trả phần vốn VEC đã vay cho dự án và vốn của các nhà đầu tư trong thời gian được cấp có thẩm quyền chấp thuận", ông Tuấn Anh nói.
Đảm bảo lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan tham mưu, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của VEC trong thời gian qua. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa vào khai thác 2.044km trên cả nước, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị VEC phải có những đề xuất, nghiên cứu để triển khai các dự án cao tốc mới.
Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai do VEC làm chủ đầu tư |
Nhằm thực hiện thành công mục tiêu này, người đứng đầu ngành GTVT gợi ý, trước tiên VEC phải thực hiện tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu các nguồn vốn vay và xác định các nguồn để trả nợ. Liên quan đến việc xác định nguồn vốn điều lệ của doanh nghiệp trước khi CPH, Bộ trưởng Thăng yêu cầu VEC phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật và phải xuất phát từ nhu cầu sản xuất kinh doanh.
"Tôi yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo tái cơ cấu VEC với thành phần gồm đại diện của Bộ Tài chính, Bộ Kế Hoạch - Đầu tư và các cơ quan liên quan để chậm nhất trong quý I/2015, VEC phải hoàn thành tổng thể đề án tái cơ cấu với những đề xuất cụ thể với các thuyết minh mang tính khoa học, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn", Bộ trưởng đề nghị.
Để nhượng quyền khai thác các dự án cao tốc do VEC đang quản lý và khai thác, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, VEC cần thành lập các CTCP dự án hoặc các công ty TNHH của Nhà nước, sau đó tiến hành cổ phần hóa với mục tiêu đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, lợi nhuận của nhà đầu tư và quyền lợi của người dân.
Trước kiến nghị của lãnh đạo VEC về việc thành lập hai công ty cổ phần dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu đơn vị này phải bổ sung thành lập CTCP dự án Nội Bài - Lào Cai.