Bộ trưởng Lao động: Không để tiền chính sách đi "nhầm" vào nhà cán bộ

26/05/2017 23:56:00

Theo kế hoạch, khoảng 80.000 gia đình có công được ngân sách hỗ trợ sửa chữa nhà, nhưng thực tế khi triển khai con số này tăng lên đến 380.000. Ông Đào Ngọc Dung cho rằng việc thực hiện đề án cần nghiêm túc, đúng đối tượng. 

Theo kế hoạch, khoảng 80.000 gia đình có công được ngân sách hỗ trợ sửa chữa nhà, nhưng thực tế khi triển khai con số này tăng lên đến 380.000. Ông Đào Ngọc Dung cho rằng việc thực hiện đề án cần nghiêm túc, đúng đối tượng. 

Chia sẻ cử tri rất quan tâm đến chính sách người có công như việc tồn đọng hồ sơ, nhà ở cho người có công… Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung cho hay "nóng" nhất là vấn đề trục lợi chính sách. 

Theo ông Dung, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo thu hồi tài sản bị trục lợi nên vấn đề sẽ được công khai hơn.

"Không thể trắng đen lẫn lộn, người có công không được hưởng còn người không có công lại được. Tiền nhà nước hỗ trợ không được “đi nhầm” vào nhà cán bộ”, ông Dung nhấn mạnh.

bo-truong-lao-dong-khong-de-tien-chinh-sach-di-nham-vao-nha-can-bo

Nhà ở cho người có công tại Quảng Yên, Quảng Ninh. Ảnh minh họa: Báo Đại đoàn kết

Cũng theo người đứng đầu ngành lao động, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ xây mới hơn 90.000 căn nhà, sửa chữa trên 75.000 căn nhà cho người có công. Theo kế hoạch giai đoạn đầu, số hỗ trợ xây mới và sửa chữa khoảng 80.000 căn hộ, nhưng thực tiễn khi mở rộng đối tượng thì tính đến ngày 25/5, con số này đã đội lên trên 380.000. Do đó, ông Dung cho rằng việc thực hiện đề án cần nghiêm túc, đúng đối tượng.

Một trong những bất cập nữa ông Dung chỉ ra là thủ tục thanh toán chính sách ở địa phương còn chậm. 

"Nhiều thương binh gửi đơn cho biết, vì nhà dột nên phải xây nhà mới. Tuy nhiên, khi xây dựng mới còn khổ hơn vì tiền bỏ ra xây chưa được thanh toán. Họ phải đi vay lãi để xây nhà nên đã nghèo còn nghèo hơn", Bộ trưởng dẫn chứng. 

Cũng vấn đề này, đại diện tỉnh Long An cho hay việc chờ xem xét hồ sơ, phân bổ vốn ngân sách khá mất thời gian. "Không ít trường hợp tự xây nhà, đến lúc được đưa vào danh sách hỗ trợ thì người được hưởng đã qua đời. Đề nghị Bộ, ngành nghiên cứu cải cách thủ tục, đặc biệt là quyết toán. Một công trình chỉ 40 triệu nhưng phải nghiệm thu nhiều lần, đề nghị rút ngắn xuống chỉ một lần thôi", vị này nói. 

Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng nêu thực trạng nhiều hộ thuộc diện được hỗ trợ trong giai đoạn hai (chưa được nhà nước cấp kinh phí) nhưng do nhà hư hỏng nên tự bỏ kinh phí hoặc vay mượn để xây mới hoặc sửa chữa; nay đề nghị nhà nước hoàn trả kinh phí hỗ trợ để trả nợ. Báo cáo của các địa phương đến nay có khoảng 14.000 hộ như vậy.

Cạnh đó, khoảng 7.000 gia đình người có công được phê duyệt hỗ trợ nhưng đã mất, người thân đang sinh sống tại nơi ở đó đề nghị được hỗ trợ.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến ngày 15/5/2017, trong 63 tỉnh, thành, duy nhất Hà Nội có đề nghị điều chỉnh giảm hơn 2.300 hộ người có công. Trong khi, 13 địa phương đề nghị bổ sung thêm hơn 18.800 hộ.

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định, số lượng tăng lên rất lớn, có nơi gấp 4,6 lần nên cần phải xem xét làm cho chặt chẽ. Nếu tiếp tục phát sinh, các địa phương sẽ phải tự cân đối kinh phí.

Ông Hà cũng cho rằng, vấn đề giải ngân cần linh hoạt, có thể cho ứng trước để hoàn thành dứt điểm chương trình này trong vòng 2 năm. 

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận xét việc hỗ trợ nhà ở cho người có công còn chậm so với kế hoạch, nhiều địa phương đề xuất chính sách chưa hợp lý, việc thực hiện còn kéo dài.

"Tình trạng số lượng phát sinh vượt xa tính toán ban đầu cũng ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch, vì chính sách người có công vẫn dựa chủ yếu vào ngân sách", Phó thủ tướng nói. Những tồn tại đó, theo lãnh đạo Chính phủ cần phải khắc phục ngay.

Theo Ngọc Tuyên (VnExpress.net)

Nổi bật