Chiều nay (6/6), trả lời chất vấn trước Quốc hội về những nội dung liên quan đến dự án đường Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định đường, Hồ Chí Minh là con đường đặc biệt, con đường huyền thoại nên Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 38/2004/NQ-QH11, Nghị quyết số 66/2013/QH13; Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, trong đó có Bộ Giao thông vận tải đã rất quyết liệt triển khai thực hiện.
Về nguyên nhân chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, giai đoạn từ năm 2000 – 2010, tiến độ triển khai dự án rất tốt. Tiếp đó, giai đoạn 2011-2015 được bố trí nguồn lực rất lớn, nhưng thời điểm đó xảy ra khủng hoảng kinh tế, Chính phủ ban hành nghị quyết để dừng, giãn nhiều dự án nhằm kiểm soát lạm phát. Vì thế, giai đoạn 2011-2015 hầu như các dự án lớn, trong đó có dự án đường Hồ Chí Minh phải dừng, giãn để kiềm chế lạm phát và trong 5 năm này hầu như không thực hiện được. Giai đoạn 2016 đến 2020, chủ trương khởi động lại những dự án dang dở, dừng giãn và tập trung dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1 và nhiều dự án trọng điểm. Nhưng nguồn lực dành cho dự án đường Hồ Chí Minh và các dự án dang dở giai đoạn này cũng rất ít nên không đủ nguồn lực thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, một trong những nguyên nhân khác khiến dự án này chậm tiến độ là đường Hồ Chí Minh chạy qua những khu vực có địa hình, thời tiết phức tạp, có nhiều đoạn đất đai vẫn đang tranh chấp. Do đó quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng và điều kiện tự nhiên.
Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của Bộ: "Chúng tôi cũng khẳng định trách nhiệm chính khi để dự án chậm tiến độ thuộc về Bộ Giao thông vận tải và một số bộ, ngành có liên quan trong công tác tham mưu Chính phủ, tham mưu Quốc hội để rà soát bố trí nguồn vốn. Công tác giám sát của Quốc hội cũng có một phần trách nhiệm, bên cạnh đó, một phần trách nhiệm của các địa phương khi chậm triển khai. Trong giai đoạn sắp tới, chúng ta cần hết sức quyết liệt triển khai, nhất là các địa phương, nếu tiếp tục vướng trong giải phóng mặt bằng thì dự án sẽ còn kéo dài".
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng khẳng định, các dự án đường cao tốc hiện nay thực hiện theo Luật Đầu tư công đã bố trí đủ nguồn lực, chứ không như giai đoạn trước đây là bố trí nguồn lực theo khả năng, theo giai đoạn. Do đó, những dự án đủ vốn mới triển khai và với sự quyết liệt của Chính phủ và địa phương, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tin tưởng giai đoạn sắp tới dự án đường Hồ Chí Minh nói riêng và các dự án khác sẽ thực hiện đúng tiến độ.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay đã bố trí vốn cho hai đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn, Rạch Sỏi – Bến Nhất – Gò Quao – Vĩnh Thuận đi qua các địa phương với số tiền khoảng 4.450 tỷ đồng. Bộ Giao thông vận tải kiến nghị các địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai dự án, trong đó giúp Bộ Giao thông vận tải trong công tác giải phóng mặt bằng. Bộ trưởng cho rằng, thời gian ngắn mà mặt bằng không xong thì không làm được, nhất là đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất – Gò Quao – Vĩnh Thuận đi qua vùng đất yếu, nếu không đủ thời gian gia tải sẽ rất khó khăn. Còn riêng đoạn Cổ Tiết – Chợ Bến, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ lập hồ sơ ngay trong năm 2022, tranh thủ các nguồn lực, trong đó có những nguồn có thể có trong năm 2022 và giai đoạn sắp tới để đầu tư…
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng tiếp thu ý kiến đại biểu về nghiên cứu để đầu tư đường Hồ Chí Minh theo đúng quy hoạch. Trước đây làm 2 làn xe và đường Hồ Chí Minh thì không thể kéo dài mãi. Do đó, Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ, Quốc hội xây dựng kế hoạch giai đoạn 2026-2030 tập trung nguồn lực cho đường Hồ Chí Minh, nhất là những đoạn có quy hoạch cao tốc để nâng cấp. Đối với đoạn đường còn lại, người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải cho biết cần cố gắng bố trí kinh phí để nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu.
Theo Nguyễn Trang (VOV.vn)