Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Giao thông Trương Quang Nghĩa cho hay dự án BOT Cai Lậy(Tiền Giang) có hơn 26 km trên Quốc lộ 1 và 12 km tuyến tránh; được xây dựng xuất phát từ nhu cầu địa phương "có một tuyến tránh để mở rộng thị xã, thành phố".
Theo đó, Bộ Giao thông và địa phương lập dự án, trong quá trình này đã lấy ý kiến đầy đủ các bên liên quan. "Đến nay, khi xảy ra sự việc liên quan đến trạm thu phí Cai Lậy, nhiều người chỉ nghĩ đến nhà đầu tư, tôi đề nghị nhìn khách quan hơn, trước hết phải là địa phương và Bộ Giao thông”, ông Nghĩa nói.
Lãnh đạo Bộ Giao thông cho hay, trưa 15/8, có người gọi điện thoại cho ông đề nghị thanh tra dự án Cai Lậy, tuy nhiên ông cho rằng "cách thức tiếp cận như vậy thiếu công bằng".
Trạm thu phí Cai Lậy. Ảnh: Hoàng Nam |
Bộ trưởng Giao thông cho rằng, người dân và doanh nghiệp, hiệp hội vận tải ở địa phương nơi đặt trạm Cai Lậy không phản ứng gì, chỉ có bảy doanh nghiệp ở nơi khác phản ứng, "nhưng cách thức làm chúng tôi thấy rất buồn vì ở đây có chính quyền, nhưng doanh nghiệp lại dàn xe dừng ở đó để cản trở".
Theo ông Nghĩa, hôm nay Bộ Giao thông đã mời nhà đầu tư ra Hà Nội làm việc. "Đề xuất của địa phương là giảm từ 35.000 đồng xuống 25.000 đồng, nhà đầu tư sẵn sàng. Suy cho cùng thì vẫn là một tủ tiền đấy, thay vì phương án thu gần bảy năm thì kéo dài 12 – 13 năm", ông Nghĩa nói và nhấn mạnh với dự án Cai Lậy, sau chiều nay, các đề xuất của địa phương và người dân sẽ được giải quyết.
Đề nghị đưa dự án BOT Cai Lậy vào diện giám sát
Thảo luận các vấn đề liên quan đến dự án BOT, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng giám sát của cơ quan dân cử phải rõ địa chỉ, "không nên bắn chỉ thiên". Ông cũng đề nghị đoàn giám sát bổ sung thêm dự án BOT Cai Lậy vào diện giám sát lần này và đưa ra kiến nghị giải quyết.
Trưởng ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhắc lại một số sai phạm trong các dự án BOT và băn khoăn, trách nhiệm của thanh tra Bộ Giao thông ở đâu, đã thu hồi về cho nhà nước bao nhiêu tiền từ các sai phạm; xử lý trách nhiệm cá nhân như thế nào?
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nêu vấn đề, Quốc lộ là tuyến giao thông do nhà nước xây dựng từ tiền đóng thuế của người dân, vậy khi làm BOT trên quốc lộ thì "quan điểm của nhà nước như thế nào?"
"Cần có quan điểm chính thống của nhà nước, chứ không phải không đủ tiền thì chuyển sang BOT. Người dân đóng thuế và cần được biết việc làm đường như thế nào. Hiện có 55/59 dự án BOT đưa vào hoạt động, đã có đánh giá nào về tốt - xấu của các dự án này chưa?", ông Bình nói và cho biết thêm đã từng đi qua tuyến đường Cai Lậy, qua đó thấy rằng "chỉ có sửa lại một chút và thu phí".
"Đây là con đường độc đạo, vậy khi sửa có hỏi ý kiến của người dân hay không?", ông Bình băn khoăn.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa. Ảnh: Q.H |
Hàng loạt giải pháp khắc phục hạn chế BOT
Phát biểu tại phiên họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, phát huy hiệu quả của hình thức hợp đồng BOT.
Đầu tiên, Chính phủ sẽ rà soát lại kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của từng lĩnh vực (đường sắt, đường bộ, đường thuỷ, hàng không…) của quốc gia, khu vực, thậm chí của các địa phương để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: X.T |
Chính phủ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện thể chế về đầu tư xây dựng, đặc biệt là Luật đối tác Công – Tư để tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
"Từ nay đến 2020, các bên liên quan nỗ lực hoàn thành các tuyến cao tốc quan trọng từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Từ 2020-2025 có thể làm một số đoạn ưu tiên của đường sắt tốc độ cao; sân bay quốc tế Long Thành", Phó thủ tướng nói.
Theo Hoàng Thùy (VnExpress.net)