Bộ trưởng GD-ĐT: Kỳ thi THPT quốc gia sẽ không gây sốc

12/06/2015 06:46:54

Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng đổi mới tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia thực hiện nghiêm túc, không gây sốc, không làm thay đổi đột ngột.

Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng đổi mới tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia thực hiện nghiêm túc, không gây sốc, không làm thay đổi đột ngột.


Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Đổi mới, nghiêm túc nhưng không gây sốc, không làm thay đổi đột ngột - Ảnh chụp qua màn hình

ĐB Nguyễn Văn Minh (TP HCM) cho rằng đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 năm 2014 của bộ trong năm học vừa qua bên cạnh mặt tích cực vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, nhất là việc khen thưởng cuối năm ở các trường. Tình trạng một số giáo viên đánh giá khắt khe học sinh khi được giấy khen xuất sắc nếu có giải thưởng ở cấp tỉnh, TP, quận huyện. Nhưng cũng có trường rất dễ, em nào cũng khen, kể cả viết chữ đẹp. Đặc biệt, trong năm nay ở các đơn vị hành chính sự nghiệp của cha mẹ học sinh không biết khen thưởng cho các cháu như thế nào vì không có xếp loại học sinh loại giỏi. Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề như thế nào?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết việc chuyển đánh giá học sinh tiểu học từ chấm điểm sang đánh giá thường xuyên bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm tại kỳ thi học kỳ và cuối năm là bước chuyển phù hợp với thực tế đang triển khai ở nền giáo dục ở nhiều nước phát triển.

Quá trình này nhằm thay đổi động lực học của các cháu từ chỗ vì điểm số sang học để hoàn thiện kỹ năng và hình thành phẩm chất của con người trong quá trình phát triển.

Quá trình này đã được Bộ GD-ĐT nghiên cứu, tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế và đã triển khai thí nghiệm, thực nghiệm trong 3 năm trên 1.000 trường. Tuy nhiên khi triển khai đồng loạt cả nước ở năm học vừa qua thì đã xuất hiện một số trục trặc nhỏ, ví dụ có chỗ khen thưởng khắt khe quá, có chỗ lại khen rộng rãi quá hoặc cũng có ý kiến cho rằng “gia đình không biết con em học thế nào vì không có điểm số”.

“Có thể ban đầu thực hiện nên chưa quen. Chúng tôi sẽ có chấn chỉnh những trục trặc này” - Bộ trưởng nói.

Theo ông Luận, qua kết quả thăm dò của các phương tiện truyền thông và kết quả mà bộ nắm được thì thấy rằng “tình trạng học thêm, dạy thêm đã giảm đi; cân chỉnh lại động lực học tập của các cháu”.

Ngoài ra, ông Luận cho rằng việc bỏ đánh giá bằng điểm số cũng giúp các cháu học kém đỡ cảm thấy tự ti, không chán học, bỏ học; còn với các cháu học giỏi cũng không bị tự mãn.

Về tự chủ ở các trưởng đại học, ĐB Minh đặt câu hỏi: Ở một số trưởng được bộ cho phép tự chủ tài chính thu học phí. Vậy khi phê duyệt đề án này, bộ có tính đến việc một bộ phận sinh viên nghèo không đủ tiền đóng học phí phải bỏ học hay không?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng trước khi phê duyệt, Đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng cân nhắc rất nhiều. Để nâng cao chất lượng GD-ĐT thì cần phải có đầu tư cần thiết để đáp ứng yêu cầu, và với mức học phí hiện tại thì không đáp ứng được. Tuy nhiên, các trường được cho phép tự chủ tài chính cũng không phải muốn tăng bao nhiêu thì tăng, bởi trong đề án trình Thủ tướng còn có Bộ GĐ-ĐT và Bộ Tài chính xem xét xem nó có tương ứng với chất lượng giáo dục mà nhà trường cam kết hay không thì mới được phê duyệt. Còn cơ chế để hỗ trợ cho sinh viên nghèo thì đã có rất nhiều chính sách như miễn, giảm học phí, học bổng, cho hay tiền để học…

Về sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng không có việc làm gây lãng phí nguồn nhân lực của xã hội, ĐB Minh đặt câu hỏi phải chăng bộ chỉ quan tâm chất lượng đầu vào, tổ chức thi cử gắt gao nhưng trong quá trình đào tạo có thi, có vào thì có ra theo thành tích. Cử tri cho rằng đây chính là nguyên nhân sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận: “Việc thiếu việc làm có rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên về phía ngành thì chúng tôi cũng thừa nhận có nguyên nhân là do chất lượng đào tạo bởi cũng có trường, có ngành đào tạo chưa đảm bảo. Ngoài ra trong đào tạo thì các trường chỉ chú trọng việc trang bị kiến thức mà chưa chú trọng rèn luyện kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng tạo việc làm”.

Các đại biểu nghe Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn - Ảnh chụp qua màn hình

ĐB Phạm Ngọc Thạch cho biết trước đây kỳ thi tốt nghiệp THPT do các địa phương tổ chức, kết quả tốt nghiệp đạt mức cao 98-99% nhưng năm nay khi thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, các trường ĐH lại chủ trì tổ chức các cụm thi. Điều này khiến nhiều người dân lo ngại vì các trường ĐH làm quá nghiêm sẽ dẫn tới kết quả tốt nghiệp sụt giảm. Bộ trưởng có ý kiến gì?

Về điều này, Bộ trưởng Luận khẳng định dù thí sinh dự thi ở cụm thi do địa phương hay trường ĐH chủ trì thì đều phải tuân thủ quy chế chung. Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc kỹ ba-rem điểm để kết quả chấm thi nghiêm túc, chính xác, tránh thiệt thòi cho thí sinh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Luận cũng chia sẻ việc coi thi nghiêm túc cũng là một hoạt động giáo dục quan trọng, tác động đến nhân cách học sinh. Nếu để xảy ra tiêu cực thi cử, không chỉ ảnh hưởng đến kết quả thi mà còn ảnh hưởng xấu tới việc giáo dục nhân cách học sinh. Vì thế, Bộ GD-ĐT sẽ kiên quyết thực hiện nghiêm túc kì thi này. “Đổi mới, nghiêm túc nhưng không gây sốc, không làm thay đổi đột ngột” - ông Luận khẳng định.

>> Bộ trưởng Công Thương: Chắc chắn có buôn lậu và kinh tế ngầm
>> Thi THPT quốc gia: Không tổ chức thi ở những điểm tai tiếng
>> Bộ GD-ĐT công bố lịch thi THPT quốc gia 2015
>> Cấm cắt xén chương trình học trước kỳ thi THPT quốc gia
>> Công bố danh sách 38 cụm thi THPT quốc gia
 

Theo V.Duẩn - N.Quyết (Nld.com.vn)

Nổi bật