Đây là một trong những nội dung mới trong dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Thay mặt Chính phủ, báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho biết, ban soạn thảo đã đánh giá kỹ lưỡng, nhất là đánh giá về giới với việc tăng hạn tuổi phục vụ đối với nữ sĩ quan có cấp bậc hàm thượng tá thêm 3 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá thêm 5 tuổi trong khi đa số cấp bậc hàm khác tăng 2 tuổi.
Phù hợp với thực tiễn chiến đấu, công tác
Ban soạn thảo đã nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trên cơ sở vị trí, tính chất công việc đặc thù trong lực lượng công an nhân dân và đặc điểm giới.
Cụ thể, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá chủ yếu được bố trí giữ chức vụ lãnh đạo cấp Cục và tương đương, làm công tác quản lý, phụ trách các lĩnh vực y tế, hậu cần, tài chính, công tác đảng, công tác chính trị... đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, chuyên môn sâu nên đề nghị tăng 5 tuổi.
Nữ sĩ quan có cấp bậc hàm thượng tá chủ yếu được bố trí giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng và tương đương, vừa làm công tác quản lý, vừa trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu nên cần đáp ứng yêu cầu cao hơn về thể chất để thực hiện nhiệm vụ nên đề nghị tăng 3 tuổi.
Còn các trường hợp khác đề nghị tăng 2 tuổi, bảo đảm phù hợp với thực tiễn chiến đấu, công tác của lực lượng Công an nhân dân.
Đặc biệt, đối với cán bộ trực tiếp chiến đấu, đòi hỏi phải có sức khỏe tốt để tác chiến được trong mọi môi trường, điều kiện, hoàn cảnh thì cần tiếp tục áp dụng hạn tuổi phục vụ cao nhất thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường và cơ bản tương đương với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại.
Việc quy định như trên cũng bảo đảm nữ giới và nam giới được bình đẳng trong việc thụ hưởng các chế độ, chính sách về hạn tuổi phục vụ cao nhất, không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và những quyền lợi của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, không có phân biệt đối xử về giới.
Vì vậy, Chính phủ đề nghị giữ nguyên quy định này tại dự thảo luật. Theo đó, dự luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 30 về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân theo hướng: Bổ sung quy định và tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an (nam 2 tuổi, nữ 5 tuổi); tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan.
Riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm thượng tá tăng 3 tuổi; nữ sĩ quan cấp tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành.
Thời gian tăng tuổi theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Riêng sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì tăng ngay 2 tuổi, không theo lộ trình.
Thời điểm tính toán tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất bắt đầu từ ngày 1/1/2021 (theo Bộ Luật Lao động). Chính phủ quy định cụ thể lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an cho phù hợp với quy định của Bộ Luật Lao động.
Chính phủ khẳng định, việc đề nghị tăng tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan, hạ sĩ quan theo các mức như trên vừa đảm bảo phù hợp với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ Luật Lao động năm 2019, vừa phù hợp với thực tiễn chiến đấu, công tác của lực lượng công an nhân dân.
Đặc biệt là đối với cán bộ trực tiếp chiến đấu, đòi hỏi phải có sức khỏe tốt để tác chiến trong mọi môi trường, điều kiện, hoàn cảnh cần tiếp tục áp dụng hạn tuổi phục vụ cao nhất thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường và cơ bản tương đương với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại.
Tăng tuổi hưu không làm tăng số sĩ quan giữ cấp bậc hàm “kịch khung”
Bộ trưởng Công an cũng làm sáng tỏ ý kiến cho rằng, tăng hạn tuổi phục vụ nhưng vẫn giữ nguyên thời hạn thăng cấp bậc hàm như hiện hành sẽ dẫn đến tăng số lượng sĩ quan giữ cấp bậc hàm “kịch khung” trong nhiều năm, sẽ tác động đến nguồn nhân lực của toàn lực lượng, nhất là biên chế, số lượng tuyển sinh, tuyển dụng vào công an nhân dân.
Cụ thể, cấp bậc hàm trong công an nhân dân được quy định trên cơ sở gắn với chức vụ, chức danh của sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân đảm nhiệm. Do đó, việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất không làm tăng số lượng sĩ quan giữ cấp bậc hàm “kịch khung”; không tác động đến nguồn nhân lực của toàn lực lượng công an nhân dân.
Giải trình về ý kiến đề nghị làm rõ thêm việc thực hiện chế độ, chính sách, BHXH sau khi tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, Chính phủ khẳng định, việc này dựa trên cơ sở quy định về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong Bộ luật Lao động năm 2019, gắn với đặc thù của lực lượng công an nhân dân không làm thay đổi chế độ, chính sách hiện nay đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an.
Ngoài ra, việc này sẽ có tác động tích cực đối với xã hội, đặc biệt sẽ tận dụng được nguồn lao động có chất lượng cao trong công an nhân dân, đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước trong tình hình hiện nay.
Đồng thời, tăng thời gian đóng BHXH để cán bộ, chiến sĩ đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu cao nhất (theo quy định hiện hành, năm đóng BHXH đủ 35 năm trở lên, nữ đóng bảo hiểm xã hội đủ 30 năm trở lên mới đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%), giúp cân đối quỹ BHXH nói chung.
Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân sẽ được đưa ra Quốc hội thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ 5 tới đây.
Theo Thu Hằng (VietNamNet)