Bộ trưởng Bộ Y tế: 'Chúng ta phải chuẩn bị cho một kịch bản xấu hơn'

10/05/2021 17:40:25

“Chúng ta ở trong tình trạng báo động cao do nguy cơ và khả năng lây nhiễm của virus mạnh. Biến chủng virus SARS-CoV-2 của Anh lây lan nhanh gấp 170% (1,7 lần) nhưng biến chủng của Ấn Độ còn nhanh hơn, đặc biệt khả năng lây nhiễm trong môi trường không khí”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.

Bộ trưởng Bộ Y tế: 'Chúng ta phải chuẩn bị cho một kịch bản xấu hơn'

Theo Bộ trưởng, bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam thì những trường hợp tiếp xúc trong không khí, đặc biệt môi trường kín lây lan rất nhanh. “Do vậy, chúng ta phải chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Ông Long cho rằng ở thời điểm này phải coi xét nghiệm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, cần phải làm. “Sau khi họp với các chuyên gia, chúng ta sẽ thay đổi phương thức xét nghiệm, cho áp dụng xét nghiệm kit kháng nguyên nhanh đại trà; cho phép các cơ sở, đặc biệt những khu công nghiệp, nhà máy, dịch vụ lưu trú, khu vực tập trung đông người xét nghiệm một cách thường xuyên. Đối với bệnh viện, Bộ Y tế yêu cầu xét nghiện kháng nguyên nhanh thường xuyên. Bộ Y tế muốn mở rộng tối đa việc xét nghiệm”, Tư lệnh ngành nói.

Cùng với đó việc xét nghiệm với người nhập cảnh trong các khu cách ly sẽ tiến hành cả xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể; dùng kháng nguyên nhanh để sàng lọc ngay ban đầu, từ đó, đưa ra các phương thức khác nhau để ứng phó.

Bộ trưởng Y tế cầu các bệnh viện có trên 300 giường bệnh trở lên phải có một phòng xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR, qua đó, tăng khả năng mua sắm với tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm.

Theo Bộ trưởng, hiện công suất xét nghiệm của Việt Nam đã đạt cấp độ nhanh, tăng 1,7 lần so với thời kỳ cao điểm của đợt dịch Đà Nẵng (tháng 7/2020). Bộ Y tế cùng các lực lượng chức năng liên quan tổ chức tổng rà soát những người nhập cảnh, người tới các cơ sở vui chơi giải trí trong 1 tháng qua, bằng 2 phương thức xét nghiệm: Kháng nguyên và kháng thể; chuyển từ thế “chạy theo” xét nghiệm sang “tấn công”.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến sáng 10/5, tổng số ca bệnh trên thế giới đã vượt 158 triệu ca, trong đó trên 3,3 triệu ca tử vong. Dịch bệnh tại các nước trong khu vực vẫn chưa được kiểm soát, đặc biệt tại các nước có chung đường biên giới với Việt Nam (Campuchia, Lào) và một số nước trong khu vực (Ấn Độ, Thái Lan).

Theo Hà Minh (Tiền Phong)

Nổi bật