Chiều nay (20.7), Bộ TNMT công bố báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia 2016. Bộ TNMT đã khẳng định sự cố cá chết hàng loạt tại biển miền Trung hay còn gọi “sự cố Formosa” là sự cố môi trường nổi cộm năm 2016.
Sự cố này đã gây ra những thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nhất là ngành thủy sản, tiếp đến là hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch và đời sống sinh hoạt của người dân.
Chủ tịch HĐQT Công ty Formosa Hà Tĩnh Trần Nguyên Thành và các thành viên công ty cúi đầu xin lỗi nhân dân và Chính phủ Việt Nam vì gây ra sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung. (Ảnh: TTXVN) |
Ngay sau khi có thông tin về sự cố, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành có liên quan đã cùng tham gia phối hợp tìm hiểu nguyên nhân, đánh giá, xác định mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái biển tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung.
Kết quả điều tra nguyên nhân xác định, sự cố hải sản chết hàng loạt tại ven biển miền Trung do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Công ty Formosa) trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy đã có những vi phạm và để xảy ra sự cố, dẫn tới nước thải có chứa độc tố chưa được xử lý đạt quy chuẩn xả ra môi trường.
Nước thải của Công ty Formosa có chứa độc tố như phenol, xyanua,… kết hợp với hydroxit sắt, tạo thành một dạng phức hợp (mixel), có tỷ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc - Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế là nguyên nhân làm hải sản chết hàng loạt.
Sau đó, Công ty Formosa đã nhận trách nhiệm và công khai xin lỗi Chính phủ, nhân dân Việt Nam, bồi thường thiệt hại cho người dân, khắc phục hậu quả môi trường, cam kết không tái phạm việc vi phạm pháp luật về môi trường. Cụ thể về bồi thường thiệt hại, cuối tháng 8.2016, Công ty Formosa đã hoàn thành chuyển 500 triệu USD (11.500 tỷ VNĐ) tiền bồi thường; đồng thời triển khai các biện pháp khắc phục tồn tại, vi phạm về môi trường.
Cũng theo báo cáo của Bộ TNMT, từ tháng 10.2016 đến tháng 3.2017, định kỳ 2 tuần/ lần các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đều thực hiện quan trắc chất lượng nước biển tại các bãi tắm trên địa bàn. Kết quả các thông số quan trắc đều nằm trọng giới hạn, đạt quy chuẩn kỹ thuật an toàn.
Hiện nay, Bộ TNMT tiếp tục phối hợp với các địa phương tiếp tục giám sát chất lượng môi trường biển, giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm của Công ty Formosa. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp Bộ NN&PTNT thực hiện chương trình giám sát định kỳ đối với các hải sản khải thác tại 4 tỉnh miền Trung nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe nhân dân… |
Theo Phú Lãm (Dân Việt)