Theo ông Huyện, trước đây Bộ Giao thông khuyến khích người dân đổi giấy bìa sang vật liệu PET nhằm chống làm giả, thuận tiện cho quản lý nhà nước. Sau nhiều năm, phần lớn người dân không chấp hành khiến cơ quan này đưa ra quy định "phải thi lại lý thuyết" mang tính răn đe hơn.
"Trên 90% người dân cả nước đã đổi giấy phép lái xe ôtô giấy bìa sang vật liệu PET. Với những người không đổi, giấy phép bìa vẫn có giá trị lưu hành, không bị xử phạt", ông Huyện nói.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho rằng, tình trạng ùn tắc các điểm đổi giấy phép lái xe phần lớn diễn ra tại Hà Nội và TP HCM bởi nhiều người đổi bằng lái môtô giấy bìa, trong khi lộ trình đổi loại giấy này đến cuối năm 2020.
Người dân chen chân đổi giấy phép lái xe tại Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Ảnh:Ngọc Thành. |
Trước đó, Cục trưởng Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp Đồng Ngọc Ba cho hay Bộ Tư pháp đã có ý kiến bằng văn bản về Thông tư 58/2015 quy định lộ trình chuyển đổi giấy phép lái xe của Bộ Giao thông Vận tải.
Qua rà soát, đối chiếu với quy định hiện hành, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhận thấy Thông tư 58 "không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp".
Cụ thể, Điều 57 Thông tư 58 quy định giấy phép lái xe bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang loại mới bằng vật liệu PET theo lộ trình: Giấy phép lái ôtô và lái xe hạng A4 trước ngày 31/12/2016; giấy phép lái xe không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) trước 31/12/2020. Sau 6 tháng, người không chuyển đổi sẽ phải sát hạch lại lý thuyết để được cấp lại giấy phép lái xe.
Theo ông Ba, Điều 57 dẫn đến cách hiểu việc chuyển đổi giấy phép lái xe từ giấy bìa sang vật liệu PET là bắt buộc. Giấy phép lái xe bằng bìa giấy không chuyển đổi sang vật liệu PET sẽ không còn giá trị sử dụng và người dân phải sát hạch lại lý thuyết nếu muốn cấp lại. Điều này không phù hợp với pháp luật hiện hành. Việc chuyển đổi các giấy phép lái xe không thời hạn hoặc đang còn thời hạn có thu lệ phí, cần được xem là quyền của người dân và được thực hiện khi có nhu cầu.
Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nêu: “Nhà nước chỉ nên khuyến khích và cần có cơ chế hỗ trợ thủ tục, chi phí chuyển đổi cho người dân”.
Bộ Tư pháp đã đề nghị Bộ Giao thông rà soát quá trình thực hiện Thông tư 58 để có biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có) và xem xét, xử lý trách nhiệm với tập thể, cá nhân đã tham mưu ban hành văn bản này.
Theo Đoàn Loan - Bảo Hà (VnExpress.net)