Bỏ quy định đo huyết áp tất cả mọi người trước khi tiêm vắc xin Covid-19

10/09/2021 14:44:51

Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, việc đo huyết áp được thực hiện với một số trường hợp nhất định thay vì tất cả người dân trước khi tiêm chủng.

Ngày 10/9, Bộ Y tế đã ban hành quyết định Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tại hướng dẫn này chỉ rõ, việc đo huyết áp được thực hiện với một số trường hợp nhất định thay vì tất cả người dân trước khi tiêm chủng.

Đo huyết áp đối với người có tiền sử tăng huyết áp/huyết áp thấp, người có bệnh nền liên quan đến bệnh lý tim mạch, người trên 65 tuổi.

Trước khi có công văn này, Bộ Y tế yêu cầu đo huyết áp là quy trình bắt buộc khi khám sàng lọc tất cả người đến tiêm vắc xin Covid-19. 

Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều người dù ở nhà đo huyết áp bình thường nhưng khi tới điểm tiêm, được bác sĩ thăm khám, huyết áp lại tăng nhanh, khiến bị 'từ chối tiêm oan uổng'.

Đây được gọi là hội chứng “tăng huyết áp áo choàng trắng”, là tình trạng huyết áp đột ngột tăng cao khi gặp bác sĩ, những người mặc áo blouse trắng. Tình trạng này sẽ hết khi... bệnh nhân về nhà. Hội chứng này có thể gặp ở nhiều người, đa dạng độ tuổi.

Hướng dẫn mới nhất về khám sàng lọc trước tiêm vắc xin phòng Covid-19 của Bộ Y tế áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng của nhà nước và tư nhân trên cả nước.

Mục đích của khám sàng lọc nhằm phát hiện và phân loại các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Cũng trong hướng dẫn này Bộ Y tế nêu rõ, đối với khám sàng lọc trước tiêm chủng, cần khám sức khoẻ hiện tại có sốt hay không, hỏi tiền sử người tiêm đang mắc các bệnh cấp tính, bệnh mạn tính, đặc biệt là tình trạng bệnh gợi ý Covid-19 không?

Các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng là người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần của vắc xin.

Theo hướng dẫn, các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác. Người có bệnh nền, bệnh mạn tính. Người mất tri giác, mất năng lực hành vi. Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu. Phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần. Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống: Nhiệt độ <35, 5oC và >37,5 oC. Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút. Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg hoặc cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hàng ngày (ở người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế). Nhịp thở > 25 lần/phút.

Các đối tượng trì hoãn tiêm chủng: Có tiền sử rõ ràng đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng. Đang mắc bệnh cấp tính. Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần. Chống chỉ định với các đối tượng: Tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng Covid-19 cùng loại (lần trước). Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

Về phần khám sàng lọc trước tiêm chủng, nhân viên y tế thực hiện:

Hỏi tiền sử bệnh: Tình trạng sức khỏe hiện tại: Khám sức khoẻ hiện tại xem có sốt, hay đang mắc các bệnh cấp tính, bệnh mạn tính đang tiến triển, đặc biệt là tình trạng bệnh gợi ý Covid-19 không?. Tiền sử tiêm vắc xin phòng Covid-19: Cần khai thác chính xác loại vắc xin Covid-19 đã tiêm và thời gian đã tiêm vắc xin. Tiền sử dị ứng: Đã từng có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào. Tiền sử dị ứng nặng, bao gồm cả phản vệ. Tiền sử dị ứng với vắc xin và bất kỳ thành phần nào của vắc xin. Tiền sử mắc Covid-19. Tiền sử suy giảm miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, đang điều trị hóa trị, xạ trị. Tiền sử rối loạn đông máu/cầm máu hoặc đang dùng thuốc chống đông.

Phụ nữ mang thai (nếu có) hoặc đang cho con bú: Phụ nữ mang thai: hỏi tuổi thai. Giải thích nguy cơ/lợi ích, chỉ nên cân nhắc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho phụ nữ mang thai ≥13 tuần khi lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào đối với mẹ và thai nhi. Phụ nữ đang cho con bú: chống chỉ định với vắc xin Sputnik V.

Về đánh giá lâm sàng: Đo thân nhiệt tất cả những người đến tiêm. Đo huyết áp đối với người có tiền sử tăng huyết áp/huyết áp thấp, người có bệnh nền liên quan đến bệnh lý tim mạch, người trên 65 tuổi. Đo mạch, đếm nhịp thở ở người có tiền sử suy tim hoặc phát hiện bất thường như đau ngực, khó thở....

Ngoài ra, nhân viên y tế đánh giá mức độ tri giác bằng cách hỏi những câu hỏi về bản thân người đến tiêm. Lưu ý những người có bệnh nền nặng nằm liệt giường, mất tri giác, mất năng lực hành vi. Ghi nhận bất kỳ biểu hiện bất thường nào quan sát thấy ở người đến tiêm để hỏi lại về tiền sử sức khỏe.

Về kết luận khám sàng lọc: Chỉ định tiêm chủng ngay cho những trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng. Trì hoãn tiêm chủng cho những trường hợp có ít nhất một yếu tố phải trì hoãn tiêm chủng. Chuyển tiêm đến cơ sở y tế có đủ khả năng cấp cứu phản vệ cho những trường hợp có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ nguyên nhân gì.

Phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần sau khi được giải thích nguy cơ/lợi ích nếu đồng ý tiêm chủng cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa. Không chỉ định tiêm cho những người có chống chỉ định tiêm chủng.

Theo Ngọc Trang - Hồng Phúc (VietNamNet)

 

Nổi bật