Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình phản ánh, hiện nay việc tuyển thanh niên đi nghĩa vụ quân sự (NVQS) gặp nhiều khó khăn. Lực lượng thanh niên sẵn sàng nhập ngũ và tự nguyện nhập ngũ không nhiều vì lý do như đi xuất khẩu lao động, sức khỏe không đảm bảo, nhập học... Việc này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, số lượng tuyển quân hàng năm.
Cử tri đề nghị xem xét trình, sửa đổi Luật NVQS để phù hợp với thực tiễn. Theo đó, cần mở rộng đối tượng nhập ngũ, như học sinh sau khi học xong THPT không tham gia học các trường đại học, cao đẳng hoặc sau khi học xong chương trình đại học, cao đẳng cần phải thực hiện NVQS.
Cử tri cũng đề nghị sửa đổi tiêu chuẩn về khám tuyển nhập ngũ, nâng phụ cấp đối với tân binh nhập ngũ sau 2 năm thực hiện nghĩa vụ và có chế tài xử lý những người trốn tránh thực hiện NVQS.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Quốc phòng cho biết, hằng năm công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ để bổ sung quân số cho các đơn vị thường trực và thay quân theo luật định, tạo nguồn lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng cao; góp phần quan trọng nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
Bộ Quốc phòng cho biết, qua sơ kết, nghiên cứu, rà soát 6 năm thực hiện Luật NVQS năm 2015 giai đoạn 2016 - 2021 và qua thực tiễn quá trình triển khai thực hiện đã có những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, vấn đề về tạm hoãn gọi nhập ngũ quy định tại Điều 41 có nội dung chưa được cụ thể, thiếu chi tiết, dẫn đến không thống nhất trong khi thực hiện xét duyệt đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ ở địa phương.
Ngoài ra, vấn đề chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân quy định tại Điều 49, Điều 50 đã được các cấp, các ngành quan tâm, tuy nhiên, so sánh với thu nhập chung của người lao động và mặt bằng của đời sống của toàn xã hội chưa bảo đảm công bằng so với các đối tượng tương đương.
Mức trợ cấp xuất ngũ thấp, trong khi công dân nhập ngũ phải gác lại việc học tập, lao động sản xuất, hôn nhân gia đình trong khoảng thời gian trước, trong và sau khi nhập ngũ.
Bộ Quốc phòng cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu, xem xét, chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật NVQS năm 2015 và hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Theo quy định tại Luật NVQS 2015, mỗi năm, tại các địa phương sẽ gọi công dân nhập ngũ một lần. Đối tượng gọi nhập ngũ là công dân 18 - 25 tuổi. Riêng công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Có địa phương để lọt người dương tính với ma tuý, tâm thần nhập ngũ
Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh với nội dung, theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng về “Quy định khám sức khỏe thực hiện NVQS” thì việc khám, phân loại sức khỏe công dân thực hiện NVQS căn cứ vào 8 chỉ tiêu ghi trong phiếu khám sức khỏe, làm căn cứ tuyển chọn công dân trúng tuyển NVQS.
Tuy nhiên, theo cử tri, việc phân loại sức khỏe quá chặt chẽ, dễ phân loại công dân đủ sức khỏe về mặt thực tế thành công dân không đủ điều kiện về sức khỏe để nhập ngũ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả tuyển quân hàng năm của các địa phương, một số địa phương rất khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu giao quân hàng năm của cấp có thẩm quyền.
Bộ Quốc phòng cho biết, theo Luật NVQS năm 2015 quy định Hội đồng khám sức khỏe cấp huyện tổ chức khám sức khỏe cho công dân trong diện gọi nhập ngũ và gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND; trường hợp cần thiết, quyết định việc xét nghiệm cận lâm sàng, bao gồm xét nghiệm phát hiện ma túy, HIV; bảo đảm chính xác và chịu trách nhiệm về kết quả khám sức khỏe NVQS. Ngoài ra việc khám tuyển còn được quy định chi tiết tại Thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện NVQS.
Bộ Quốc phòng cho biết, công tác khám sức khỏe tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được các địa phương, đơn vị phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ. Kết quả tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm đều đạt 100% chỉ tiêu giao, bảo đảm chất lượng, đúng pháp luật; riêng về sức khỏe loại 1, loại 2 luôn đạt trên 60%.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện khám sức khỏe thực hiện NVQS đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, nhất là việc tổ chức triển khai thực hiện. Theo Bộ Quốc phòng, thực tế công tác khám tuyển NVQS ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, còn để công dân không đủ điều kiện, tiêu chuẩn sức khỏe nhập ngũ vào quân đội như: Di chứng chấn thương để lại, có sẹo bỏng lớn; chấn thương sọ não chưa phục hồi; dương tính với ma túy, tâm thần... Sau phúc tra tiêu chuẩn chiến sĩ mới, phải bù đổi, loại trả.
Về giải pháp, đến nay, Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng dự thảo Thông tư quy định việc khám sức khỏe thực hiện NVQS; theo đó, các nội dung địa phương, đơn vị đề nghị sẽ được nghiên cứu xem xét, đưa vào Thông tư quy định cho phù hợp.
Bộ Quốc phòng đề nghị đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND các cấp phát huy vai trò giám sát về nội dung thực hiện Luật NVQS, góp phần bảo đảm công bằng xã hội, để pháp luật về NVQS được thực thi nghiêm túc, phát huy hiệu quả tích cực, thiết thực.
Theo Trần Thường (VietNamNet)