Bỏ qua 3 triệu chứng, người đàn ông 45 tuổi 'đối diện với cửa tử' khi đang chơi thể thao

10/08/2024 20:42:11

Ông Phong 45 tuổi, ở TPHCM đã phải nhập viện cấp cứu vì nhồi máu cơ tim khi đang chơi thể thao cùng bạn.

Bệnh nhân Phong (45 tuổi, sống tại TP.HCM) cho biết bản thân có thói quen hút thuốc lá. Hai tuần trước, thỉnh thoảng ông Phong xuất hiện tình trạng nặng ngực, ho, khó thở nhưng ông đã chủ quan không đi khám và tự uống thuốc giảm ho ở nhà. Sau đó, khi đang chơi tennis với bạn, bệnh nhân bị đau ngực dữ dội và được bạn bè đưa vào viện cấp cứu. 

Theo ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Trung tâm Can thiệp Mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bệnh nhân Phong được chuyển đến bệnh viện trong trạng thái khó thở, vật vã, toát mồ hôi lạnh, đau ngực từng cơn mức độ tăng dần. Tinh thần bệnh nhân hoảng loạn vì lo lắng tính mạng sẽ bị đe dọa.

Kết quả thăm khám ban đầu xác định chỉ số huyết áp và nồng độ oxy máu của bệnh nhân tụt dần, tim co bóp yếu (chức năng co bóp còn 30%), rối loạn nhịp tim nguy hiểm.

"Đây là những dấu hiệu của nhồi máu cơ tim cấp điển hình, bệnh có chiều hướng diễn tiến sốc tim. Bệnh nhân cần dùng thuốc vận mạch, thuốc trợ tim để ổn định tình trạng bệnh", bác sĩ Minh cho hay.

Kết quả chụp mạch vành của bệnh nhân cho thấy thân chung động mạch vành trái hẹp 99% tại chỗ chia ba, huyết khối lấp gần tắc lòng mạch vành.

Bỏ qua 3 triệu chứng, người đàn ông 45 tuổi 'đối diện với cửa tử' khi đang chơi thể thao
Bệnh nhân sau can thiệp đã khỏe mạnh. (Ảnh P.L)

Hẹp ngay ngã ba thân chung mạch vành trái là một tổn thương rất nặng, chiếm khoảng 3-5% các trường hợp chụp mạch vành và thường đi kèm tổn thương một hoặc nhiều nhánh mạch máu nuôi tim khác. Bệnh nhân hẹp thân chung mạch vành trái có tiên lượng xấu, chỉ nửa số bệnh nhân mắc bệnh có thể sống sót nếu được điều trị kịp thời.

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp Mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM nhận định, bệnh nhân "đối diện với cửa tử" vì rơi vào tình trạng "nghẹt ác tính" - nghẹt tại vị trí dễ gây đột tử. Do đó, ê kíp phải hội chẩn khẩn cấp để đưa ra phương án điều trị tối ưu.

"May mắn, bệnh nhân đến viện sớm, trong vòng 1 giờ đầu tiên kể từ khi khởi phát triệu chứng nên bệnh nhân có 50% cơ hội điều trị khỏi. Nếu bệnh nhân đến muộn hơn khoảng 10-15 phút thì khả năng sốc tim nặng, ngưng tim là rất cao", bác sĩ Long nhấn mạnh.

Ngay khi nhập viện, bệnh nhân đã có chỉ định can thiệp cấp cứu. Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, giảm tình trạng nặng ngực và khó thở. 5 ngày sau can thiệp, bệnh nhân đã được xuất viện.

Bác sĩ Long đánh giá thành công của ca thủ thuật đến từ nhiều yếu tố, bao gồm: bệnh nhân tới viện rất sớm, sự phối hợp ăn ý của ê-kíp bác sĩ từ nhiều chuyên khoa, sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại.

Đặc biệt, quá trình điều trị sẽ không thể thành công nếu ê-kíp không tận dụng từng giây, chạy đua với thời gian để cứu trái tim của người bệnh. Từ lúc chẩn đoán cho bệnh nhân Phong đến khi hoàn thành đặt stent chỉ kéo dài vỏn vẹn trong 45 phút. Đây là khoảng thời gian lý tưởng theo chuẩn thế giới (dưới 60 phút), giúp giảm thiểu tối đa di chứng sau nhồi máu cơ tim cho bệnh nhân.

Bác sĩ Minh khuyến cáo nhồi máu cơ tim đang ngày càng trẻ hóa. Người dưới 50 tuổi, thường xuyên hút thuốc lá, có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, ít vận động… có nguy cơ cao mắc nhồi máu cơ tim.

Các bác sĩ khuyến cáo, để ngăn ngừa và phát hiện sớm bệnh, mỗi người nên tuân thủ lối sống khoa học, tầm soát sức khỏe tim mạch định kỳ. Khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm như đau nặng ngực, khó thở, choáng váng, đau vùng thượng vị, buồn nôn…, người dân cần đến bệnh viện ngay để được chụp mạch vành, chẩn đoán bệnh và có phương án can thiệp kịp thời.

Theo Ngọc Minh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật