Tăng cường kiểm soát khai thác thủy sản ở vùng biển dưới 20 hải lý
Ngày 20/9, Bộ Y tế đã công bố nhóm hải sản sống ở tầng nổi tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung là an toàn; còn nhóm hải sản sống ở tầng đáy trong phạm vi 13,5 hải lý trở vào bờ được xác định là chưa an toàn, người dân không nên khai thác và sử dụng.
Thông tin trên khiến ngư dân 4 tỉnh miền Trung yên tâm phần nào vì đã được đưa tàu, thuyền ra biển khai thác hải sản trở lại sau nhiều tháng “đắp chiếu”. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn thắc mắc, liệu ngư dân có cố tình khai thác hải sản tầng đáy ở khu vực dưới 20 hải lý như đã khuyến cáo? Cơ quan chức năng tổ chức giám sát chất lượng hải sản từ các tàu, thuyền khai thác tại các vùng biển nói trên như thế nào?
Về nội dung này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản Vũ Văn Tám cho biết, ngày 29/8, Bộ này đã có Công văn số 7268/BNN-TCTS về việc hướng dẫn nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản, giám sát an toàn thực phẩm và sản xuất muối tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, trong đó có việc khai thác thủy sản bình thường trên các vùng biển trừ 3 vùng biển mà Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố chưa an toàn (các khu vực cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương - Hà Tĩnh diện tích khoảng 300 km2, cửa Nhật Lệ - Quảng Bình diện tích khoảng 330 km2, hòn Sơn Chà – Thừa Thiên Huế diện tích 160 km2) và không sử dụng các ngư cụ khai thác hải sản tầng đáy trong vùng biển từ 20 hải lý trở vào.
Thứ trưởng Tám cho biết thêm, theo quy định của Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 về quản lý khai thác thủy sản, Chủ tịch UBND các tỉnh có trách nhiệm quản lý khai thác thủy sản ở vùng lộng và vùng biển ven bờ. Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, các địa phương tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám (bìa phải). |
“Thực tế hiện nay nguồn lợi hải sản tầng đáy chưa khôi phục được đáng kể, cùng với việc ngư dân không khai thác hải sản tầng đáy, mặt khác, tăng cường lấy mẫu, giám sát hải sản khai thác khi tàu cập bến. Vì vậy, không có hải sản tầng đáy từ 20 hải lý trở vào trên thị trường, các hải sản khai thác về bến hiện nay đều là sản phẩm an toàn” – Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.
Thường xuyên lấy mẫu hải sản để kiểm tra chất lượng
Phóng viên đề cập đến việc 1 mẫu hải sản từ khi được gửi đi phân tích đến khi có kết quả phải mất đến 3 ngày. Lúc đó, dù có phát hiện ra không an toàn thì số hải sản cùng lô có thể đã vào bụng người tiêu dùng, chính vì vậy việc lấy mẫu kiểm tra trở lên vô nghĩa. Ông Tám giải thích, theo thông báo của Bộ Y tế, thời gian tới Bộ này sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương lấy mẫu, xét nghiệm các sản phẩm hải sản.
“Có thể nói, nếu thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, chúng ta sẽ giám sát tốt việc khai thác và trên thị trường chỉ còn sản phẩm hải sản an toàn” – ông Tám cho biết.
Vẫn theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, để bảo vệ sức khỏe người dân, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo lấy mẫu hải sản để xét nghiệm và thông báo kết quả cho cơ quan chức năng chỉ đạo sản xuất và thông tin đầy đủ cho người dân biết, yên tâm sử dụng. Mặt khác, theo công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường, môi trường biển đang phục hồi tốt, cho nên việc lấy mẫu chỉ mang tính hỗ trợ, cảnh báo và phục vụ cho công tác chỉ đạo sản xuất, quản lý về an toàn thực phẩm.
Theo Nguyễn Dương (Dân Trí)