Về tin Việt Nam nhận lô tên lửa BrahMos từ Ấn Độ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói việc mua sắm trang thiết bị quốc phòng là việc làm bình thường để bảo vệ đất nước
BrahMos là loại tên lửa hành trình tầm ngắn (khoảng 450 km), có thể phóng từ tàu ngầm, tàu chiến, máy bay hay trên mặt đất. Trong ảnh, dàn tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos diễu hành tại New Delhi, Ấn Độ - Ảnh: Reuters/Kamal Kishore |
Tại cuộc họp báo thường kỳ 17-8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đã trả lời các câu hỏi của báo chí Việt Nam nhận tên lửa từ Ấn Độ; Thông tin Philippines xem xét hợp tác dầu khí với Trung Quốc trên Biển Đông...
Trước thông tin về việc báo chí quốc tế đưa tin về việc Việt Nam vừa nhận một lô tên lửa BrahMos từ Ấn Độ, bà Hằng nhấn mạnh:
“Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ đã và đang phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục và an ninh - quốc phòng. Hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước đóng góp thiết thực cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ. Việc mua sắm các trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam là phù hợp với chính sách quốc phòng hòa bình tự vệ và là việc làm bình thường để bảo vệ đất nước”.
|
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng - Ảnh tư liệu |
Tại họp báo, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cũng khẳng định: “Việt Nam đã nhiều lần nói rõ có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
"Theo tinh thần đó, chúng tôi yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên khu vực Biển Đông được xác định bởi luật pháp quốc tế. Trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần DOC đã ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, đóng góp thiết thực cho mục tiêu chung của khu vực là duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, hợp tác và phát triển ở Biển Đông”, bà Hẳng nhấn mạnh thêm.
Khi được hỏi về việc Công ty Repsol của Tây Ban Nha ngừng khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi của Việt Nam, Người Phát ngôn khằng định rằng: “Tất cả các hoạt động dầu khí liên quan của Việt Nam đều được tiến hành trong các vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Lộ trình tiến độ triển khai dự án là quyết định của doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích của các bên liên quan”.
Theo Chinhphu.vn