Bộ luật hình sự sai sót nghiêm trọng, ai chịu trách nhiệm?

28/06/2016 13:29:00

Ngày 27-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cuộc họp với trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, TP để bàn một chuyện hi hữu: hoãn thi hành Bộ luật hình sự (sửa đổi) vì những sai sót nghiêm trọng.

 

Ngày 27-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cuộc họp với trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, TP để bàn một chuyện hi hữu: hoãn thi hành Bộ luật hình sự (sửa đổi) vì những sai sót nghiêm trọng.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII (sáng 27-11-2015) họp phiên toàn thể biểu quyết thông qua: Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) - Ảnh: Phương Hoa

Trước đó ngày 27-11-2015, Quốc hội khóa XIII thông qua Bộ luật hình sự (sửa đổi) với đa số phiếu tán thành.

Đây là bộ luật có nhiều điểm mới được dư luận quan tâm, ví dụ như việc bỏ hình phạt tử hình đối với bảy tội danh, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân...

Tuy vậy chỉ sau khi Quốc hội thông qua ít lâu, có chuyên gia đã phát hiện bộ luật này có ba lỗi nghiêm trọng.

Ngày 20-4-2016, viết trên báo Tuổi Trẻ, ông Đinh Văn Quế - nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao - khẳng định “Bộ luật hình sự không chỉ có ba lỗi nghiêm trọng”. Ông chỉ ra rất nhiều nội dung “có vấn đề” của bộ luật này.

Cuộc họp bất thường

Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết sau khi có phân tích của giới chuyên gia, dư luận, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tiến hành rà soát tổng thể bộ luật.

Kết quả cho thấy có tới hơn 90 nội dung cần sửa đổi. “Không thể tin được một bộ luật quan trọng được gần 500 ĐBQH bấm nút thông qua lại mắc phải những sai sót nghiêm trọng như vậy” - vị này nói.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Ủy ban Tư pháp gấp rút báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền.

Sau một thời gian cân nhắc, thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập các trưởng đoàn ĐBQH khóa XIII chỉ ba ngày trước khi Bộ luật hình sự có hiệu lực thi hành (ngày 1-7-2016).

Tại cuộc họp diễn ra sáng qua, một quyết định rất hi hữu được đưa ra: các trưởng đoàn ĐBQH sẽ đem theo tài liệu, tờ trình, các báo cáo có liên quan về địa phương triệu tập cuộc họp đoàn ĐBQH (khóa XIII) để thảo luận, cho ý kiến và bỏ phiếu quyết định (về việc Quốc hội ban hành nghị quyết lùi thời hạn thi hành Bộ luật hình sự).

“Các ĐBQH sẽ biểu quyết bằng phiếu tại cuộc họp đoàn, niêm phong phiếu đó lại, trưởng đoàn ĐBQH có trách nhiệm đem số phiếu của đoàn ra Quốc hội, bầu ban kiểm phiếu và tiến hành kiểm phiếu. Lẽ ra phải triệu tập kỳ họp Quốc hội bất thường nhưng không còn thời gian để làm việc này nữa, vì vậy đây là biện pháp khả thi nhất để Quốc hội khóa XIII sửa sai, không để những sai sót trong Bộ luật hình sự ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp” - nguồn tin cho hay.

Nếu đa số ĐBQH đồng ý theo phương án được trình, Bộ luật hình sự sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-1-2017. Trong thời gian đó, Quốc hội khóa XIV sẽ sửa đổi, bổ sung hơn 90 nội dung phát hiện sai sót.

Bộ luật hình sự sai sót nghiêm trọng, ai chịu trách nhiệm?
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII (sáng 27-11-2015) biểu quyết thông qua Bộ luật hình sự (sửa đổi) - Ảnh: Phương Hoa

Ai chịu trách nhiệm?

Đây là lần thứ hai Quốc hội khóa XIII phải tiến hành sửa đổi một đạo luật khi nó còn chưa có hiệu lực thi hành (lần thứ nhất là sửa điều 60 Luật bảo hiểm xã hội). Lỗi lần này nghiêm trọng hơn lần trước rất nhiều.

“Đoàn ĐBQH chúng tôi triệu tập cuộc họp vào ngày 28-6, sau đó biểu quyết ngay, bởi dự kiến ngày 30-6 Quốc hội đã phải ban hành nghị quyết cho lùi thời điểm bộ luật có hiệu lực thi hành. Đây là chuyện rất hi hữu. Bộ luật có quá nhiều lỗi, chắc chắn phải sửa mới thi hành được. Quốc hội có lỗi với dân, lỗi trước hết thuộc về gần 500 đại biểu đã biểu quyết thông qua bộ luật” - trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn trao đổi với phóng viên ngay sau cuộc họp.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Tuổi Trẻ, nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết khi còn là bộ trưởng, sau khi nhận được phản ứng từ dư luận như nêu trên, ông đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết giải thích một số nội dung, cho đến khi Quốc hội khóa XIV sửa sai.

“Việc quy trách nhiệm chắc chắn là không tránh khỏi. Chúng tôi là những người trình dự án luật, sau đó Ủy ban Tư pháp thẩm tra. Nhiều nội dung có quan điểm khác nhau trong quá trình soạn thảo, nhưng cuối cùng thông qua thuộc thẩm quyền của Quốc hội".

"Tôi cũng là một đại biểu. Giờ nhìn lại thì thấy rằng một bộ luật lớn như vậy mà làm cập rập quá, cá nhân tôi cũng từng đề nghị phải có thêm thời gian nhưng không được chấp nhận” - ông Cường nói.

Đồng tình với ông Cường, nguồn tin của Tuổi Trẻ tại Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng một đạo luật đồ sộ như vậy mà xem xét trong hai kỳ họp thì không có cách nào làm tốt được.

“Hơn nữa, bộ luật lần này phải cụ thể hóa, định hướng rất nhiều quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, nhưng từ khi có báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân đến khi Quốc hội thông qua chỉ có khoảng một tháng rưỡi".

"Bây giờ sai thì đã sai rồi, Quốc hội khóa XIII phải dũng cảm nhận sai và kịp thời đưa ra biện pháp xử lý, bởi không thể đưa một đạo luật sai như vậy ra thi hành. Gần 500 đại biểu Quốc hội phải chịu trách nhiệm vì đã bấm nút thông qua, nhưng cũng cần làm rõ trách nhiệm từng khâu cho đến khâu cuối cùng là công bố luật” - vị này phân tích.

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, nhiều ĐBQH cho rằng qua những sự cố như điều 60 Luật bảo hiểm xã hội và Bộ luật hình sự, Quốc hội cần rút ra bài học, làm rõ trách nhiệm và chấm dứt cách làm luật “chạy theo thành tích” như thời gian qua.

Hơn 90 nội dung cần sửa đổi, bổ sung

Nguồn tin của Tuổi Trẻ khẳng định trong báo cáo gửi các ĐBQH khóa XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có tới trên 90 nội dung thuộc Bộ luật hình sự cần phải sửa đổi, bổ sung. Trong số đó, theo các chuyên gia, có những sai sót nghiêm trọng và những sai sót “không thể tin được”.

Nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao Đinh Văn Quế từng nêu các ví dụ cụ thể như: ngoài điều 249, điều 250, điều 252 Bộ luật hình sự 2015 bị trùng lặp tình tiết định khung hình phạt thì còn điều 337 quy định tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước.

Tên của điều luật quy định hai tội với bốn hành vi: cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước. Nhưng khoản 1 của điều luật này lại chỉ quy định một tội với một hành vi “cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước”, còn ba hành vi: chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước thì không thấy đâu nữa. Nếu nghiên cứu kỹ Bộ luật hình sự 2015, chúng ta còn thấy một số điều luật nếu không có giải thích hoặc hướng dẫn thì không thể áp dụng được.

Ví dụ: điều 175 (điều 140 Bộ luật hình sự 1999) quy định về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đã bỏ tình tiết “bỏ trốn để chiếm đoạt” trước đây quy định tại điểm a khoản 1 điều 140 Bộ luật hình sự. Vậy kể từ ngày 1-7-2016 (nếu bộ luật có hiệu lực thi hành) trở đi cứ vay mượn, thuê tài sản của người khác rồi bỏ trốn để chiếm đoạt thì không phạm tội sao?!

 
Theo Lê Kiên (Tuổi Trẻ)

Nổi bật