Mới đây, có thông tin rằng trên thị trường bán nhiều loại que test nhanh COVID-19 với mức giá chỉ khoảng vài chục đến hơn 100.000 đồng/test, cũng như giá bán tại nước ngoài chỉ có 35.000 đồng/test. Tuy nhiên, thực tế khi người dân đi test tại các bệnh viện, các cơ sở y tế để lấy chứng nhận thì giá test nhanh vẫn rất cao, không ít người phải chi trả mức khoảng 300.000 đến 500.000 đồng/lần.
Trước thông tin nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay Bộ Y tế đã có các văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương mua sắm sinh phẩm xét nghiệm theo đúng quy định hiện hành và xử lý vi phạm nghiêm các hành vi lợi dụng đấu thầu, mua sắm để tham nhũng, hưởng lợi
Đối với quản lý giá các loại sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị công khai giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Tính đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó 35 test xét nghiệm Real-time PCR, 39 test xét nghiệm kháng nguyên (33 test nhanh và 06 test chạy cùng máy xét nghiệm), 23 test xét nghiệm kháng thể (4 test nhanh và 19 test chạy máy).
Về vấn đề tính giá xét nghiệm, ông Thuấn thông tin, đối với xét nghiệm trong các cơ sở y tế công lập, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu việc tính giá xét nghiệm nhanh kháng nguyên căn cứ vào thực thanh thực chi, cụ thể giá được tính toán dựa vào giá kit test, chi phí vật tư tiêu hao liên quan.
Việc thanh toán theo kết quả đấu thầu mua sắm được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đấu thầu.
Đồng thời, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về mức giá của gộp mẫu để giảm chi phí xét nghiệm, đặc biệt là cho các doanh nghiệp
Để chấn chỉnh hoạt động xét nghiệm test nhanh chênh lệch về giá, "Bộ Y tế đã trình Chính phủ Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế (bao gồm test xét nghiệm) trong đó yêu cầu các đơn vị phải kê khai giá để công khai, minh bạch trong mua sắm đấu thầu.
Đồng thời, Bộ Y tế đang tổng hợp ý kiến để đề nghị đưa test xét nghiệm COVID-19 vào mặt hàng bình ổn giá bởi vì hiện nay mặt hàng này chưa được quy định trong luật.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường công tác giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc đấu thầu mua sắm sinh phẩm xét nghiệm cũng như kiểm tra, thanh tra các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ xét nghiệm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm", ông Thuấn nói.
Ông Thuấn cũng khẳng định: "Cho đến nay, Bộ Y tế chưa thực hiện việc mua sắm test kháng nguyên nhanh. Hiện, địa phương thực hiện việc mua sắm đấu thầu theo quy định. Tuy nhiên theo tôi được biết, các đơn vị chủ yếu sử dụng test do các đơn vị tài trợ như TP Hồ Chí Mình vừa rồi được tài trợ 10 triệu test. Ngay như Bộ Y tế cũng được các tổ chức quốc tế và các đơn vị tài trợ hơn 10 triệu test để phân bổ cho các địa phương".
Trong ngày 28/9, Bộ Y tế cũng đã có công văn khẩn đề nghị các địa phương, đơn vị ngăn chặn, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hoá chất, sinh phẩm,…
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là thuốc giả, thuốc kém chất lượng, lợi dụng tình hình dịch bệnh nâng giá thuốc thu lợi bất chính.
Đồng thời, các đơn vị cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát về giá dịch vụ chẩn đoán COVID-19, các dịch vụ khác được pháp luật cho phép; vắc xin được tiêm chủng miễn phí cho mọi người dân, không được thu bất cứ khoản phí nào trong tiêm chủng.
Trước đó, trong Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, đã thông tin giá bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 mua số lượng lớn tại nước ngoài chỉ khoảng 35.000 đồng/test. Nếu mua được giá gốc với số lượng lớn thì có thể tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng.
Cũng theo ông Hồng Anh, giống như vắc xin, Bộ Y tế chủ trì cùng các địa phương đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất để mua số lượng lớn đến 100 triệu bộ xét nghiệm nhanh với chi phí gốc.
Theo Ngọc Minh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)