Mới đây, nghe tin Bộ GD-ĐT “tuýt còi” việc tuyển sinh hệ THCS trong trường THPT chuyên, nhiều phụ huynh trong lớp con tôi đứng ngồi không yên. Điều này có nghĩa một số trường THPT chuyên lâu nay tồn tại khối THCS như Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam ở Hà Nội hay Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa ở TP.HCM sẽ phải bỏ hệ này.
Trên nhóm lớp, nhiều cha mẹ xôn xao, bày tỏ sự tiếc nuối. Để chuẩn bị cho công cuộc vào “Ams2”, nhiều phụ huynh thậm chí cho con cày cuốc từ cuối lớp 2. Riêng việc xin để được vào học tại những lớp luyện thi có tiếng cũng rất khó khăn. Trong trường hợp không được tuyển sinh nữa, công cuộc đầu tư này xem như hoài phí.
Nhưng bản thân tôi lại có suy nghĩ khác, dù con gái tôi cũng học khá ổn và chăm. Ngay từ đầu tôi đã xác định không bắt con cày cuốc học thêm hay bằng mọi giá phải thi đỗ vào các trường điểm, trường chất lượng cao. Tất nhiên, nếu con tự thân thi đỗ được, điều đó là rất tốt nhưng cũng khá khó khăn.
Nhiều năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 6 chuyên Amsterdam thường chỉ lấy khoảng 200 em, nhưng mỗi năm có tới 4.000 hồ sơ. Như vậy, một học sinh vừa học xong tiểu học sẽ phải “chọi” với ít nhất 20 em khác để có một suất vào trường này. Chưa kể để vào được Ams2, các con phải có học bạ đẹp từ lớp 1.
Áp lực điểm 10 khiến những đứa trẻ chỉ mới học cấp 1 đã phải “cày cuốc” tới 11 giờ đêm để hoàn thành chuyện bài vở hay “chạy sô” đến các lớp ôn luyện thi vào cấp 2.
Vì thế tôi cho rằng, việc bỏ “trường chuyên cấp 2” tôi thấy rất nhân văn. Các con sẽ bớt cày cuốc học thêm, không phải chịu áp lực thi cử, có thời gian trải nghiệm, khám phá bản thân để phát triển toàn diện.
Hơn nữa, tôi cho rằng từ cấp 2, các con đã phải học nhiều “môn chuyên” hơn các môn học khác là điều không ổn. Theo như tôi biết, các trường sẽ dựa trên điểm tổng kết để tiến hành phân loại lớp theo hướng mũi nhọn, định hướng thi chuyên cấp 3. Nếu chỉ tập trung vào học môn giỏi, bỏ qua những môn yếu hơn sẽ là sự phát triển thiên lệch.
Mặt khác, học sinh THCS khi phải học trong môi trường quá cạnh tranh cũng sẽ khiến các con sống mệt mỏi và áp lực. Chẳng may gặp thất bại, con cũng sẽ vất vả hơn để vượt qua nỗi thất vọng về bản thân cùng suy nghĩ “mình kém cỏi”. Với những bạn tâm lý không vững, chắc chắn sẽ bị áp lực mà học thụt lùi.
Tất nhiên, sẽ có nhiều người nói nếu không còn Ams2, vẫn còn rất nhiều trường điểm, trường chất lượng cao cấp 2 khác khiến học sinh đổ xô vào. Các con vẫn sẽ phải chạy đua kiến thức và cày cuốc để vào những trường “hot” đó.
Nhưng tôi cho rằng, dù việc này không làm giảm áp lực đáng kể, song nếu tách hệ THCS trong trường THPT chuyên hoạt động như một trường THCS bình thường, đồng thời tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chắc chắn đầu vào sẽ bớt cạnh tranh hơn.
Lâu nay, tuy hệ THCS nằm trong trường THPT chuyên không được gọi là chuyên, nhưng vì cả thành phố lớn chỉ có một trường THPT chuyên hàng đầu có khối THCS như vậy, nên phụ huynh mập mờ với khái niệm “trường chuyên cấp 2” và sức hút vẫn rất lớn.
Ngoài ra, tôi cũng mong việc thi tuyển vào các trường cấp 2 không còn quá trình sàng lọc học bạ, các con sẽ được thi tuyển như nhau, từ đó cha mẹ, con cái cũng bớt căng thẳng và cuộc đua trở nên công bằng hơn.
Xét cho cùng việc học cũng chỉ là một bước đệm và là hành trang để các con bước vào cuộc sống. Việc học là cả một quá trình, do đó cha mẹ nên cho con có những trải nghiệm thú vị, vui vẻ và thoải mái trên suốt hành trình học tập ấy.
Theo Mai Lam (VietNamNet)