Bộ Giao thông sẽ giải quyết bức xúc về trạm thu phí Cai Lậy

14/08/2017 14:08:00

Tổng cục Đường bộ cho biết những kiến nghị của tỉnh Tiền Giang về trạm thu phí Cai Lậy sẽ được giải quyết, xử lý trong tháng 9.

Tổng cục Đường bộ cho biết những kiến nghị của tỉnh Tiền Giang về trạm thu phí Cai Lậy sẽ được giải quyết, xử lý trong tháng 9.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó tổng cục Đường bộ Việt Nam trả lời báo chí. Ảnh: Hoàng Nam.

Một ngày sau khi nhiều tài xế trả tiền lẻ gây ùn tắc buộc trạm thu phí Cai Lậy phải ngưng thu phí, sáng 14/8, Tổng cục đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận Tải) đã có buổi làm việc với Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang xung quanh các vấn đề liên quan đến trạm thu phí Cai Lậy.

Về việc Quốc lộ 1A đã được nhà xe đóng tiền bảo trì hàng năm, sao lại thu thêm phí từ dự án BOT, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng cục Đường bộ Việt Nam, nói quốc lộ có 24.000 km nhưng kinh phí bảo trì chỉ đáp ứng được 50%, chỗ nào hư hỏng cục bộ thì gỡ bỏ, sửa để làm lại.

"Đoạn hư hỏng nhiều phải cần từ 5 tỷ, 10 tỷ đến 20 tỷ đồng, còn 26,5 km mà BOT Tiền Giang đầu tư, cần kinh phí hơn 300 tỷ thì không có nguồn bảo trì nào đáp ứng nổi. Do vậy, Chính phủ và Bộ Giao thông cũng đã huy động nhiều nguồn để nâng cấp, cải tạo tuyến quốc lộ, xã hội hóa, BOT hoặc ODA", ông Thắng nói.

Ông Thắng cho rằng, ngoài sửa tuyến Quốc lộ 1 thì nhà đầu tư còn làm tuyến tránh. Nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư ra thì được phép thu phí. Tuy nhiên phải đảm bảo hài hòa giữa việc đảm bảo thu hồi theo hợp đồng đã ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư; đảm bảo lợi ích người dân; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và giao thông thông suốt trên toàn tuyến.

"Chúng tôi sẽ xem xét những bức xúc của dư luận để giải quyết có tình, có lý. Những kiến nghị của tỉnh Tiền Giang có thể được giải quyết, xử lý trong tháng 9", ông Thắng khẳng định.

Trong buổi làm việc khoảng 20 phút, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tiền Giang cho biết, trạm thu phí Cai Lậy đã hoạt động được 14 ngày, tuyến tránh đã phát huy tác dụng khi góp phần giảm ùn tắc giao thông. Những ngày qua, một số tài xế dùng tiền lẻ bỏ vào chai nhựa để phản đối vì cho rằng trạm đặt không đúng vị trí và mức phí quá cao.

Hôm qua, trạm buộc phải xả vì tài xế trả tiền lẻ gây kẹt xe kéo dài. Sở sẽ họp bàn với công an bàn giải pháp khắc phục tình trạng ùn ứ. "Sở đề nghị Bộ Giao thông vận tải giảm giá tại trạm này trong thời gian tới", ông Bon cho biết.

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Nguyện, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Tiền Giang cho rằng, doanh nghiệp vận tải có quá ít thông tin về dự án này. "Trước đó có thu thử nghiệm, nhưng thời điểm thông báo thu phí quá gấp, chỉ có một ngày. Vì vậy, các tài xế nhận thấy có sự khác biệt về giá giữa dự án này với đường cao tốc TP HCM - Trung Lương và các dự án khác", ông Nguyện nói.

Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động từ ngày 1/8, thời gian thu phí 6 năm 5 tháng. Trạm có 8 làn xe cơ giới, mỗi chiều có một làn thu phí tự động, mức phí mỗi lượt từ 35.000 đến 180.000 đồng.

Trạm nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới với hơn 1.000 tỷ đồng, đoạn sửa chữa Quốc lộ 1 trên 300 tỷ đồng.

Sau một tuần hoạt động, nhiều tài xế dùng tiền lẻ 200, 500, 1.000 đồng vo tròn bỏ vào chai, bịch nylon hoặc đếm từng tờ khi qua trạm... nhằm phản đối cách đặt trạm bất hợp lý ở Quốc lộ 1. Họ yêu cầu dời trạm thu phí vào tuyến đường tránh, vì đây mới là đường được đầu tư.

Đại diện chủ đầu tư, Công ty TNHH BOT đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang lý giải, phí bảo trì mỗi năm đóng trên đầu xe chỉ đủ để "dặm vá ổ gà". Còn dự án tăng cường mặt đường trên quốc lộ do đơn vị thực hiện, bốc dỡ toàn bộ mặt đường để thảm lại nên chi phí cao hơn. Mức phí ở trạm thu cao hơn cao tốc Trung Lương vì thời gian thu ngắn hơn, chỉ hơn 6 năm so với trên 20 năm.

Theo Hoàng Nam (VnExpress.net)

Nổi bật