Bộ GD&ĐT: Đề thi THPT quốc gia khó là đương nhiên

27/06/2018 17:00:00

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, đề thi THPT quốc gia năm nay khó hơn vì phạm vi kiến thức rộng. Đây là năm thứ hai xây dựng một đề tự luận, còn lại là trắc nghiệm.

Chiều 27/6, sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo tại Hà Nội, thông tin về những vấn đề đáng chú ý trong kỳ thi.

Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT - cùng các thành viên ban chỉ đạo thi quốc gia tham dự họp báo.

73 em bị đình chỉ thi

Theo thống kê của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, tỷ lệ thí sinh tới dự thi đạt trên 99%. Cụ thể, Ngữ văn đạt 99,55%; Toán 99,52%; Vật lý 99,34%. Hóa học 99,22%. Sinh học 99,35%. Ngoại ngữ 99,63%. Lịch sử 99,35%. Địa lý 99,44%. Giáo dục Công dân 99,56%.

Bộ GD&ĐT: Đề thi THPT quốc gia khó là đương nhiên
Đại diện Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tại buổi họp báo chiều 27/6. Ảnh: Việt Linh.

Kết thúc kỳ thi, 77 thí sinh vi phạm quy chế, trong đó 73 trường hợp bị đình chỉ do mang điện thoại di động và tài liệu vào phòng thi. Ba thí sinh bị cảnh cáo, một thí sinh bị khiển trách.

Bộ GD&ĐT cho hay tất cả trường hợp ốm đau, không tự viết bài được đã được các hội đồng thi hỗ trợ, tạo điều kiện. Các hội đồng đều được hỗ trợ tối đa, đảm bảo không thí sinh nào có hoàn cảnh khó khăn không đến dự thi.

Các địa phương nhất là huyện, thị, xã miền núi, hải đảo đã quan tâm từng thí sinh là người đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, huy động nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia thi.

Một số tỉnh miền núi phía Bắc vẫn tiếp tục có mưa lớn, gây sạt lở, lũ quét, ách tắc giao thông tại một số tuyến đường. Các địa phương đã chủ động có phương án ứng phó thời tiết và các tình huống bất thường, huy động phương tiện chuyên dụng của quân đội, công an để kịp thời hỗ trợ hầu hết thí sinh đến điểm thi đúng giờ.

Riêng ở 2 tỉnh Lai Châu và Hà Giang, mặc dù đã cố gắng khắc phục, một số thí sinh không đến được điểm thi để làm bài.

"Đề thi THPT quốc gia khó là đương nhiên"

TS Sái Công Hồng - Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT - giải đáp các vấn đề liên quan đề thi. Đây là năm thứ hai bộ thực hiện xây dựng đề thi chỉ một môn tự luận, còn lại là trắc nghiệm, mỗi phòng thi có 24 mã đề.

Đề thi môn Ngữ văn cũng có các câu hỏi được chia ra làm 4 cấp độ, từ nhận biết đến vận dụng cao. Năm nay, bộ ra đề Văn mở và sẽ có đáp án mở. Nếu kịp, đáp án sẽ được công bố trong hôm nay.

Liên quan tranh luận câu chữ ở đề Văn (khái niệm thành phần tự nhiên và yếu tố tự nhiên), tổ ra đề khẳng định dùng khái niệm thành phần tự nhiên hoàn toàn chính xác.

Bộ GD&ĐT: Đề thi THPT quốc gia khó là đương nhiên - 1
TS Sái Công Hồng giải đáp các vấn đề liên quan đề thi. Ảnh: Việt Linh.

Hội đồng ra đề tuân thủ đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia. Nội dung thi đều năm trong chương trình lớp 12, và 11 (lớp 12 chiếm 80%-85%). Toàn bộ nằm trong nội dung chương trình phổ thông, không vượt quá chương trình các em đã học. Cấu trúc đề thi giữ nguyên, không thay đổi so với năm 2017.

Theo ông Hồng, một số ý kiến cho rằng bộ thay đổi trong ra đề thi là không chính xác, vì vẫn có 60% kiến thức cơ bản, 40% nâng cao. Phần nâng cao vẫn nằm trong chương trình học. Đề tự luận như môn Văn cũng có cấp độ các câu hỏi từ dễ đến khó theo 4 cấp độ.

Theo Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, không có cán bộ vi phạm kỷ luật, số lượng thí sinh vi phạm quy chế rất ít. Kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế.

Đề trắc nghiệm như năm trước. Nhóm câu hỏi dễ nằm ở trên, khó ở dưới, giúp thí sinh lần lượt làm từ dễ đến khó. Năm 2018, đề thi được tăng cường độ phân hóa, có những câu rất dễ đến câu khó. Để tăng độ phân loại thí sinh, đề thi phải có một số câu hỏi được tăng độ khó lên. Không phải đề thi khó, chỉ là một số câu khó.

Cũng theo ông Hồng, so sánh với năm 2017, độ khó tăng lên là hiển nhiên vì nội dung kiến thức được mở rộng cả phần kiến thức lớp 11. Tuy nhiên, học sinh đã được thông báo sớm, ngay khi các em đang học lớp 11.

So với 2017, Bộ GD&ĐT công bố 3 đề thi minh họa thử nghiệm và tham khảo, học sinh được tập luyện nhiều hơn. Đây cũng là năm thứ hai sử dụng ngân hàng đề thi. Nước sử dụng ngân hàng chuẩn hóa nhiều nhất là Mỹ (có kỳ thi chuẩn hóa SAT, ACT). Việc cân bằng độ khó giữa các đề thi được học tập từ các tổ chức ra đề chuẩn hóa nổi tiếng như College Board, Cambridge, Everett Lindquist. "Chúng tôi cố gắng tiếp tục cập nhật tập huấn để nâng cao", ông Hồng nói.

Bộ GD&ĐT: Đề thi THPT quốc gia khó là đương nhiên - 2
Ông Mai Văn Trinh thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại buổi họp báo chiều 27/6 ở Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.

Lọt chứ không phải lộ đề, không ảnh hưởng kết quả thi

Trước câu hỏi của Zing.vn về việc trong giờ làm bài môn Sinh học, thí sinh đăng tải môn Hóa lên mạng xã hội để kêu gọi sự trợ giúp đỡ, ông Mai Văn Trinh cho hay Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với công an nhưng chưa phát hiện được trường hợp cụ thể.

Ông Trinh cho hay, việc thí sinh chia sẻ bài thi lên mạng xã hội do thiết bị được mang vào phòng thi có chức năng thu nhưng không có chức năng phát. Học sinh có thể chia sẻ bài thi sau khi đã kết thúc bài làm môn Hóa.

Mặc dù đề thi lọt ra ngoài nhưng không có thông tin đáp án từ bên ngoài vào trong. Cũng không có cán bộ coi thi nào bị xử lý kỷ luật.

Bộ GD&ĐT: Đề thi THPT quốc gia khó là đương nhiên - 3
Phóng viên Zing.vn đặt câu hỏi cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Ảnh: Việt Linh.

Trong phần phát biểu trước đó, ông Trinh cho biết cũng nhận được thông tin phản ánh việc đề môn Vật lý, Lịch sử lọt ra ngoài. Ông cho rằng nếu ra ngoài trước khi làm bài là lộ đề. Thực tế, đề được đưa lên mạng khi giờ làm bài thi môn đó đã kết thúc, nên không phải lộ đề, không ảnh hưởng kết quả kỳ thi.

Quy chế quy định thí sinh được đưa vào phòng thi thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình, chỉ thu, nhưng không có chức năng phát. Có thể các thí sinh tự do mang theo thiết bị, kết thúc môn thi mới truyền đề ra ngoài.

Việc cho phép thí sinh mang thiết bị này phòng thi xuất phát từ thực tiễn, nhằm tăng kênh giám sát cán bộ phòng thi, tăng cường kỷ cương. Vấn đề này sẽ được bàn cho kỳ thi tiếp theo.

Bộ GD&ĐT: Đề thi THPT quốc gia khó là đương nhiên - 4
Thí sinh vui mừng khi hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Lê Quân.

Chưa ghi nhận gian lận thi cử có tổ chức

Bộ GD&ĐT cũng cho biết kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại tất cả điểm thi trên cả nước.

Một số hiện tượng vi phạm quy chế được phát hiện và xử lý kịp thời, đảm bảo tính nghiêm minh của kỳ thi; đến nay chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đánh giá phương thức tổ chức thi THPT quốc tiếp tục đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng. Các điểm thi trường/liên trường đặt tại địa phương, nơi thí sinh theo học giúp các em không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, đi thi.

Trước câu hỏi liệu kỳ thi với độ khó như năm nay có phù hợp hai mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, ông Mai Văn Trinh khẳng định kỳ thi hai mục đích vẫn còn phù hợp. Sau khi có sơ kết và chương trình sách giáo khoa mới, bộ sẽ có phương án thi phù hợp.

Trước đó, sáng 27/6, gần một triệu sĩ tử trên cả nước đã hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Kết thúc tất cả môn thi, đa số thí sinh và giáo viên nhận định đề thi năm nay khó và dài hơn nhiều so với năm 2017. Nhiều chuyên gia đánh giá, với đề thi này, kỳ thi THPT quốc gia 2018 khó phân loại tốt thí sinh cho hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học.

Ngoài ra, việc đề thi các môn trong bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội được cho là lọt ra ngoài trước khi hết giờ làm bài cũng được chú ý.

Theo Quyên Quyên - Nguyễn Sương (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật