Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 130 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên nhưng vẫn không đỗ vào nguyện vọng 1 mà các em đăng ký do các trường, ngành này đều có điểm chuẩn rất cao.
Trong đó có 84 em đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào khối trường công an, trong đó riêng Học viện Chính trị Công an Nhân dân là 67 em. Có 22 em là thí sinh của Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa).
Trong số 130 thí sinh này có 69 em đã đỗ ở các nguyện vọng sau và 61 em không đỗ nguyện vọng nào.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 61 em không trúng tuyển nguyện vọng nào, có 60 em chỉ đặt duy nhất một nguyện vọng, chỉ có một em đặt hai nguyện vọng. Cụ thể, 59 em có nguyện vọng 1 vào các trường công an, quân đội và đều chỉ có một nguyện vọng, trong đó 57 em tốt nghiệp từ năm 2019 trở về trước.
Các trường điểm chuẩn cao có chỉ tiêu khá ít như Học viện chính trị công an nhân dân có 800 thí sinh đăng ký, trong khi chỉ tiêu chỉ có 50. Đại học Hồng Đức có hai ngành điểm chuẩn trên 29,5 điểm (Sư phạm Ngữ văn: 30,5 điểm và Sư phạm Lịch sử: 29,75 điểm), đều là ngành chất lượng cao, được tỉnh Thanh Hóa có chế độ ưu đãi đặc biệt, cấp từ học phí, sinh hoạt phí đến bố trí việc làm, chỉ tiêu mỗi ngành chỉ 15 em.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) có hai ngành có điểm chuẩn trên 29,5 điểm là Hàn Quốc học (30 điểm khối C00 với 10/40 chỉ tiêu cho các khối thi xét theo điểm Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông) và Đông Phương học (29,8 điểm khối C00 với 15/40 chỉ tiêu các khối thi xét theo điểm Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông). Hai ngành này cũng tuyển các khối khác nhưng điểm chuẩn không quá cao (25,6 đến 27,9 điểm).
Trường Đại học Ngoại thương có ngành Ngôn ngữ Trung quốc điểm chuẩn 39,35/40 (môn tiếng Trung nhân hệ số 2). Trường có 90 chỉ tiêu ngành này, trong đó 60 chỉ tiêu được xét theo các phương thức khác, chỉ còn còn 30 chỉ tiêu xét theo điểm Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Theo Phạm Mai (Vietnam+)