Bỏ điểm sàn đại học: Người dân nghi ngại là có cơ sở

28/12/2016 06:59:00

Khi trường đại học chưa thực sự chứng tỏ được năng lực thực tế để quản lý chất lượng đào tạo thì sự lo lắng của xã hội về việc bỏ điểm sàn là có cơ sở.

Khi trường đại học chưa thực sự chứng tỏ được năng lực thực tế để quản lý chất lượng đào tạo thì sự lo lắng của xã hội về việc bỏ điểm sàn là có cơ sở.

Bài viết gồm 3 nội dung chính: Điểm sàn tuyển sinh nhìn từ kinh nghiệm giáo dục đại học quốc tế; Kinh nghiệm quốc tế về qui định điểm sàn; Giao quyền tự chủ xác định điểm sàn từ kinh nghiệm quốc tế.

“Điểm sàn” là gì và chức năng của “điểm sàn”

“Điểm sàn” hay còn gọi là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào được dùng làm căn cứ để trường đại học sàng lọc và tuyển chọn người học. Nó chính là tiêu chuẩn tuyển sinh tối thiểu (minimum admission standard) được nhắc đến nhiều trong chính sách về tuyển sinh đại học của nhiều nước. Tuyển sinh có “điểm sàn” là loại tuyển sinh được xem là đối lập với “tuyển sinh mở” (open admission).

Khi đặt ra các tiêu chuẩn tuyển sinh tối thiểu, các nước phát triển về giáo dục không chỉ hướng đến việc tuyển chọn, mà còn dùng các tiêu chuẩn tuyển sinh này như một cơ chế tạo thuận lợi cho sự di động (chuyển dịch, chuyển trường) của sinh viên. Hiện nay việc chuyển trường căn cứ nhiều vào điểm chuẩn trúng tuyển (một dạng “điểm sàn” riêng của trường) cho nên việc sinh việc chuyển trường rất khó khăn, hạn chế cơ hội chuyển đổi từ trường này sang trường khác.

Mặc dù việc sinh viên chuyển trường cần thêm những điều kiện khác (như về chương trình, ngành học), nhưng nếu các trường có chung “điểm sàn”, việc xây dựng cơ chế chuyển dịch của sinh viên giữa các trường thuận lợi hơn.

diem san dai hoc nhin tu kinh nghiem o cac nuoc  hinh 1
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia để lấy kết quả xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm 2016

Các loại “điểm sàn”

“Điểm sàn” hay nói rộng hơn là tiêu chuẩn tuyển sinh tối thiểu ở các nước khá đa dạng. Đó có thể là một mức điểm của bài thi tuyển sinh hoặc một mức điểm của bài thi chuẩn hóa (cutoff/minimum score), hoặc điểm trung bình chung học tập (minimum GPA), thậm chí đó là yêu cầu phải học và tích lũy được tín chỉ của một số môn quan trọng (minimum required courses) nếu chương trình giáo dục phổ thông quá khác nhau giữa các trường.

Thí dụ, trong tuyển sinh đại học ở Đức, Thụy Điển, Brasil, Trung Quốc, v.v. và thậm chí ở nhiều bang tại Hoa Kỳ các cơ quan quản lý giáo dục đưa ra các mức “điểm sàn” dưới các hình thức khác nhau. Hoặc theo Quy hoạch Tổng thể giáo dục Bang California các trường thuộc Hệ thống Đại học California (gồm các đại học nghiên cứu của bang, đào tạo đến tận bậc tiến sĩ) chỉ được tuyển các học sinh thuộc nhóm khoảng 12,5% học sinh giỏi nhất. Các trường thuộc Hệ thống Đại học Bang của California (các trường chủ yếu là đào tạo bậc đại học, chỉ một số đào tạo bậc thạc sĩ) – chỉ được tuyển học sinh trong nhóm khoảng 33% học sinh giỏi nhất.

Chỉ có các trường cao đẳng cộng đồng mới được tuyển sinh mở, theo đó tất cả học sinh có bằng tốt nghiệp THPT đều có thể vào học. Trong khi đó, Sở Giáo dục Đại học Bang Massachusetts đặt ra yêu cầu về điểm trung bình học tập tối thiểu là 3.0 để được vào các trường công của bang. Bang Colorado, Hoa Kỳ thì sử dụng Chỉ số Tuyến sinh tối thiểu (được tích bằng cách tích hợp điểm trung bình học tập bậc THPT và điểm bài thi chuẩn hóa).

Ở các nước việc “tuyển sinh mở” áp dụng khi học sinh chi cần tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện học lực để tuyển vào học đại học. Theo một nghiên cứu cho Ủy ban Giáo dục và Văn hóa Nghị viên Châu Âu (Cecile H. McGrath và những người khác, 2014) cho thấy chỉ có 5 nước (trong số 16 quốc gia Châu Âu và 3 nước đối sánh là Nhật Bản, Australia và Hoa Kỳ) thực hiện tuyển sinh mở.

Như vậy, hầu hết các nước đều áp dụng cơ chế tuyển chọn (selection), chính vì vậy họ đều áp dụng mức điểm hoặc tiêu chuẩn tối thiểu. Suy cho cùng, ở nước ngoài yêu cầu “tốt nghiệp THPT” cũng là một hình thức “điểm sàn”. Bởi vì, để tốt nghiệp THPT này, học sinh các nước đó phải thi đạt và tích lũy đủ số tín chỉ của tất cả các môn trong chương trình. Bất cứ môn nào bị “trượt” thì đều không đủ điều kiện tốt nghiệp.

Tuy nhiên, ở Việt Nam yêu cầu “tốt nghiệp THPT” lại không thể xem như một loại “điểm sàn” tương tự như ở nước ngoài. Bởi vì, học sinh Việt Nam chỉ cần đạt điểm trung bình từ 5 trở lên cho tất cả các môn (trong đó, ít nhất toán hoặc ngữ văn từ 5 trở lên, không bị điểm liệt môn thi tốt nghiệp và hạnh kiểm đạt yêu cầu) là đủ điều kiện được cấp bằng tốt nghiệp. Nói cách khác, học sinh có thể học dưới trung bình (không đạt) vài môn, nhưng điểm vài môn khác cao hơn để bù lại là đủ để tốt nghiệp.

Ai quyết định “điểm sàn”

Ở các nước có hai chủ thể tham gia quyết định về “điểm sàn”: Bộ Giáo dục và trường đại học. Bức tranh phân quyền giữa hai chủ thể này khá đa dạng. Thí dụ ở Hoa kỳ, theo nghiên cứu năm 1985 của Hội đồng Đại học (College Board), có 24 bang tại Hoa Kỳ đặt ra các tiêu chuẩn tuyển sinh tối thiểu của bang (tương tự “điểm sàn” của Việt Nam) để áp dụng trong việc tuyển sinh của các trường đại học công lập trong bang.

Từ đó cho đến nay, đã có những sự thay đổi. Thí dụ, có những bang thời điểm trước đây có áp dụng, nhưng bỏ tiêu chuẩn này và để các trường đại học tự quyết. Ngược lại, có những bang trước đây không áp dụng nhưng hiện nay Sở Giáo dục của bang lại ban hành chính sách cho các trường công lập của bang (thí dụ bang Colorado). Như vậy, giữa các bang của Hoa Kỳ cũng rất khác về người quyết định về tiêu chuẩn tuyển sinh tối thiểu.

Bức tranh về người quyết định về cái gọi là “điểm sàn” ở châu Âu tương đối thiên về Bộ Giáo dục các nước. Nghiên cứu nêu trên của Cecile H. McGrath và những người khác cho thấy tại Châu Âu, Bộ Giáo dục của hầu hết chịu trách nhiệm các nước đưa ra các quy định khung hoặc quy định cụ thể về tiêu chuẩn tuyển sinh. Nhưng, tiếng nói của các trường trong vấn đề này cũng đang ngay càng được nâng cao.

Trong xu thế giao quyền tự chủ cho các trường đại học, các nước trước đây có sự quản lý giáo dục đại học tập trung cao như Pháp, Đức cũng đang chuyển dịch theo hướng các trường đại học được quyền tự quyết cao hơn trong việc tuyển sinh. Hiện nay, có sự cùng tồn tại của cơ chế quản lý tập trung (với khung chính sách và tiêu chuẩn tuyển sinh chung do Bộ Giáo dục các nước ban hành) và những quyền tự quyết nhất định của các trường đại học trong vấn đề này.

Như vậy ai có quyền quyết định ban hành chuẩn tuyển sinh tối thiểu (“điểm sàn”) phụ thuộc vào quá trình phân quyền thực tế và không giống nhau ở các nước.            

Đề xuất cho Việt Nam

Những bài học thành công và chưa thành công của các nước sẽ giúp ích cho Việt Nam đưa ra chính sách của mình. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chính sách tuyển sinh các nước (bao gồm cả vấn đề “điểm sàn”), cần  được xem xét trong bối cảnh của nền giáo dục đại học các nước tương ứng, những nơi mà việc giám sát chất lượng giáo dục được thực hiện chặt chẽ bởi cơ quan kiểm định chất lượng.

Việc kiểm định chất lượng các trường đại học (dù là bắt buộc hay tự nguyện) ở các nước này đã được thực hiện khá lâu và mang tính định kỳ. Nhờ đó, niềm tin đối với chất lượng giáo dục đại học đã được khẳng định.

Mặc dù vậy, các nước này cũng gặp phải những vấn đề nhất định trong quá trình phân quyền tự chủ cho các trường về tuyển sinh mà Việt Nam cần lưu ý để tránh. Thí dụ, nghiên cứu đã nêu trên của Cecile H. McGrath và những người khác đã phát hiện ra rằng “việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học trong việc tuyển sinh sẽ làm tăng sự khớp nối giữa người học với các ngành đào tạo, nhưng việc này sẽ dẫn đến những thất bại quản lý nếu như trường đại học không đủ năng lực để quản trị quá trình này”(1). Như vậy, các nhà tư vấn chính sách của Châu Âu có những quan ngại nhất định về việc giao cho các trường tự chủ về tuyển sinh trong khi trường chưa đủ năng lực thực hiện.

Trong những ngày gần đây, sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2017 với dự kiến bỏ “điểm sàn” chung, trong xã hội cũng xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau. Một số ý kiến lo lắng khi bỏ điểm sàn thì chất lượng giáo dục đại học sẽ giảm sút do hệ thống các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta hiện nay rất đa dạng, kinh nghiệm và năng lực quản lý khác xa nhau.

Mặc dù việc bỏ “điểm sàn” là bước đi nhằm tăng quyền tự chủ của trường đại học nhưng trong khi trường đại học chưa thực sự chứng tỏ được về năng lực thực tế để thực hiện quyền tự chủ và quản lý chất lượng thì sư lo lắng của xã hội là có cơ sở. Điều 32 Luật giáo dục đại học của Việt Nam qui định các trường đại học được giao các mức tự chủ khác nhau theo các hơn phù hợp với năng lực và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.

Rõ ràng, trường đại học chỉ thuyết phục được xã hội về năng lực của họ thông qua kiểm định chất lượng khách quan. Khi trường đại học được tổ chức kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng thì mới có thể xem trường có đủ năng lực thực hiện tự chủ.

Như vậy, việc giao cho các trường tự quyết hoàn toàn về tuyển sinh và bỏ điểm sàn chung cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo chất lượng. Thí dụ, trước mắt Bộ GD-ĐT có thể trao cho các trường đại học và những chương trình đào tạo được đánh giá, kiểm định chất lượng và đạt chuẩn chất lượng của Việt Nam, chuẩn ASEAN (AUN-QA) hoặc chuẩn quốc tế (ABET, AACSB, HCERES, CTI...) quyền tự quyết về tuyển sinh (kể cả về “điểm sàn”).

Ngược lại, đối với những trường hoặc chương trình chưa được kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT vẫn nên áp dụng ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu. Tuy nhiên, bên cạnh loại hình ngưỡng đảm bảo chất lượng áp dụng với điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT có thể nghiên cứu thêm loại hình “điểm sàn” áp dụng với điểm trung bình chung học tập, điểm môn học (ít nhất của lớp 12). Điều này nhằm mục đích để các trường chỉ tuyển bằng học bạ cũng đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào tối thiểu tạo niềm tin chung của xã hội với chất lượng giáo dục đại học.

(1)Cecile H. McGrath et. al. (2014). HIGHER EDUCATION ENTRANCE QUALIFICATIONS AND EXAMS IN EUROPE: A COMPARISON. Study Report under Request of requested by the European Parliament's Committee on Culture and Education.

Theo Bích Lan (VOV.vn)