Bộ Công an vào cuộc vụ cá chết bất thường ở miền Trung

22/04/2016 15:16:34

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết, ông đã cử lực lượng vào miền Trung để điều tra nguyên nhân cá chết hàng loạt.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết, ông đã cử lực lượng vào miền Trung để điều tra nguyên nhân cá chết hàng loạt.

“Quá trình điều tra đang tiếp tục, chưa thể kết luận được gì” - Cục trưởng C49 nói.

Thiếu tướng  Nguyễn Xuân Lý. Ảnh: Học viện cảnh sát.


Còn theo ông Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục Giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường), ông đã nghe thông tin người dân ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) phản ánh nguyên nhân cá chết có thể do nước xả thải của công ty Formosa Vũng Áng. Bộ đang phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh để làm rõ và chưa kết luận.

Theo ông Hanh, ngày 21/4, đoàn khảo sát của hai Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến Quảng Bình để kiểm tra, lấy mẫu.

“Việc xác định cá chết cần trải qua nhiều bước, trong đó có ý kiến tổng hợp của các địa phương, từ kết quả phân tích, đánh giá của các nhà khoa học…” - ông Hanh nói.

Vẫn theo Cục trưởng Cục Giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường, lực lượng chức năng đang tổng hợp thiệt hại, hướng dẫn các địa phương thực hiện một số giải pháp trước mắt, thu gom cá chết để xử lý. Đồng thời, khuyến cáo người dân không sử dụng cá trôi nổi và cá chết thu gom ở khu vực ven biển vì có khả năng chứa độc tố.

Hiện đoàn kiểm tra đang làm việc ở Quảng Trị, rồi vào Thừa Thiên - Huế.

Không chỉ có cá ở tầng mặt, nhiều loài cá ở tầng đáy cũng chết hàng loạt. Ảnh chụp ven biển huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh): Quang Tiến.


Sáng 22/4, trả lời báo Tiền phong về ý kiến của người dân cho rằng nguyên nhân cá chết có thể do nước thải ô nhiễm xả ra từ khu công nghiệp Vũng Áng, ông Khâu Nhân Kiệt - Giám đốc bộ phận An toàn Vệ sinh Môi trường Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Công ty FHS) khẳng định, nước thải ra môi trường đạt chất lượng.

Ông Kiệt cho rằng, hệ thống xả thải của Công ty FHS, trước khi được thải ra biển đều tập trung về một chỗ, chảy qua một trạm quan trắc tự động. “Toàn bộ số liệu về môi trường nước được trạm báo về máy hàng ngày, tất cả đều đạt các chỉ số an toàn mới được cho ra biển - ông Kiệt nói.

Vậy Công ty FHS có hay không một đường ống xả thải kéo dài, nằm ở tầng đáy ngoài biển? Trả lời câu hỏi này, ông Kiệt khẳng định đây là ống xả thải của doanh nghiệp.

“Ống xả thải này là đường ống cuối cùng sau khi gom nước từ các điểm về, có đường kính 1 m, kéo dài 1,5 km ra thẳng ngoài biển và nằm ở tầng đáy. Ống xả này được được sự cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam” - người đứng đầu bộ phận an toàn vệ sinh môi trường công ty nói.

Bình quân mỗi ngày Công ty FHS xả khoảng 12.000 m3 nước thải qua đường ống này.

Hiện tượng cá chết dọc ven biển miền Trung xuất hiện sớm nhất ở Hà Tĩnh vào đầu tháng 4, sau đó, lần lượt các địa phương ở phía nam là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cũng ghi nhận. Tại một số địa điểm, lượng cá chết dạt vào bờ lên đến hàng tấn. Trong đó, có nhiều loài cá sống ở tầng đáy.

Trao đổi với PV, đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp) cho hay, chưa bao giờ ghi nhận tình trạng tương tự. "Sự việc rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sức khỏe của người dân cũng như việc nuôi trồng, kinh doanh thủy hản sản", vị này nói.
 
>> Cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
>> Cá biển chết bất thường suốt từ Hà Tĩnh đến Huế 
>> Vụ cá chết hàng loạt: Nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng
 
Theo Việt Đức - Thắng Quang (Zing.vn)

Nổi bật