“Bây giờ đi ra đường, có xe biển trắng, lại có xe biển xanh, trong biển xanh lại chia ra xe trung ương, xe địa phương, như thế không bình đẳng. Thực tế, khi lưu thông trên đường nhiều xe biển xanh vi phạm nhưng không bị xử phạt. Vừa qua chúng ta thấy trường hợp khi người dân phát hiện xe biển xanh vi phạm đã rất bức xúc, tập trung truy đuổi để giao cơ quan chức năng”, ông Sơn nói.
Liên quan đến vấn đề này, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách tư pháp (Bộ Công an) cho rằng, đánh đồng biển kiểm soát giữa xe công vụ và xe cá nhân sẽ khó quản lý.
Trao đổi với Tiền Phong, Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết: Đó mới là đề xuất, ý kiến ban đầu của một cá nhân. Việc này cần phải đánh giá rất cẩn thận bởi nó tác động rất nhiều mặt.
Thiếu tướng Quân đặt ra một số vấn đề: Nếu các xe đều đeo biển trắng thì việc giải quyết ưu tiên xe công vụ như thế nào? Việc quản lý tài sản công, xe công vào cơ quan ra sao nếu tất cả đều là xe biển trắng? Chỉ một số đối tượng được sử dụng xe công, khi "đánh đồng" biển số, việc quản lý tài sản đó sẽ như thế nào?
"Không phải xe biển xanh, biển đỏ được ưu tiên trên đường. Luật Giao thông đã quy định rõ, xe công an, xe bộ đội, xe cứu thương, xe cứu hoả, xe tang là đối tượng xe ưu tiên “khi làm nhiệm vụ khẩn cấp”.
Việc không xử phạt, không bắt là do người thực thi nhiệm vụ chưa nghiêm chứ không phải lỗi của "biển xanh", "biển đỏ". Cái này phải nghiên cứu thêm chứ không thể đề xuất ra là áp dụng được ngay", thiếu tướng Quân nói.
Theo Thiếu tướng Trần Thế Quân, đề xuất xoá xe biển xanh, biển đỏ nhằm giải quyết vấn đề công bằng nhưng chưa giải quyết được vấn đề ưu tiên công vụ: "Vấn đề là anh áp dụng pháp luật như thế nào chứ không phải bất cập từ xe biển xanh, biển đỏ. Sẽ là không ổn nếu để xe biển trắng kéo pháo. Tóm lại không thể đánh đồng các biển kiểm soát với nhau được".
Theo Minh Đức (Tiền Phong)