Bộ Công an lên tiếng về đề xuất mỗi người chỉ được cấp 1 biển số xe ô tô

20/01/2017 09:55:00

Trao đổi với PV sáng nay (20/1), Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) - khẳng định, Bộ Công an chưa chính thức có ý kiến về việc mỗi công dân chỉ được cấp 1 biển số xe, bởi việc này đã được nhiều nước áp dụng nhưng phải có đánh giá, tính toán kỹ lưỡng.

Trao đổi với PV sáng nay (20/1), Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) - khẳng định, Bộ Công an chưa chính thức có ý kiến về việc mỗi công dân chỉ được cấp 1 biển số xe, bởi việc này đã được nhiều nước áp dụng nhưng phải có đánh giá, tính toán kỹ lưỡng.
 
Đề xuất mỗi công dân chỉ sở hữu 1 biển số xe nhằm hạn chế phương tiện cá nhân đang tạo ra dư luận trái chiều.
 
Theo Thiếu tướng Trần Thế Quân, đề xuất quy định mỗi công dân được đăng ký 1 biển số xe ô tô và chịu trách nhiệm về biển số đó được Trưởng Phòng CSGT Hà Nội Đào Vịnh Thắng đưa ra ngày 19/1 đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện.

“Tôi cho rằng cái đó cũng rất tốt, khi người dân mua xe khác vẫn được sử dụng chiếc biển số đó, CSGT sẽ nắm được thông tin về chủ sở hữu phương tiện tốt hơn. Cũng giống như việc sở hữu sim điện thoại, dù thay bao nhiêu điện thoại thì vẫn dùng một chiếc sim đó thôi”- ông Quân nói.

Tuy vậy, Tướng Quân cho rằng việc này phải có đánh giá tác động, tính toán kỹ lưỡng về điều kiện, nguồn lực có đáp ứng được yêu cầu trong việc thay đổi, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu, quản lý.

“Bộ Công an chưa có ý kiến chính thức về vấn đề đó, nhưng theo hướng chung thì có ích lợi tốt thì ủng hộ, đương nhiên sẽ có những chuyện phát sinh cần phải tính toán kỹ lưỡng”- ông Quân nói.

Hạn chế quyền công dân?

Trong khi đó, luật sư Phạm Văn Phất - Trưởng Văn phòng luật An Phát Phạm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng người đưa ra đề xuất “mỗi công dân chỉ được cấp 1 biển số xe ô tô” chưa có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về các trường hợp được hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Hiến pháp 2013 quy định quyền sở hữu tư nhân được pháp luật bảo hộ. Mọi người có quyền sở hữu về tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất. Hiến pháp cũng quy định “quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Bộ luật dân sự năm 2015 cũng khẳng định: Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Như vậy, nếu không chứng minh hay thuyết phục được rằng một công dân sở hữu nhiều hơn 1 xe ô tô sẽ làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng thì sẽ là vi hiến khi đưa ra quy định “mỗi công dân chỉ được cấp 1 biển số xe ô tô”.

“Nếu cứ nhắm mắt mà ban hành quy định ấy bằng mọi giá thì cũng có thể nhìn thấy trước là quy định ấy không khả thi bởi không khó để một người vẫn có thể có hơn 1 xe ô tô bằng cách thông qua các giao dịch dân sự hợp pháp mà bản chất là mua “quota” cũng người khác”- luật sư Phất phân tích.

Ông Phất lấy ví dụ, một người đã sở hữu 1 xe ô tô nhưng tiếp tục đầu tư mua xe ô tô thứ hai nhưng nhờ người khác đứng tên (sử dụng biển số của người khác), rồi sau đó lập hợp đồng thuê xe, mượn xe hoặc ký hợp đồng dân sự để được quyền hưởng dụng (một quyền mới được quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015) chiếc xe đó cho đến hết đời xe.

Mặt khác, việc tổ chức đấu giá biển số xe đẹp để tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước dù được dư luận đồng tình, các cơ quan nhà nước bàn thảo nhiều năm nhưng đến giờ vẫn đi vào ngõ cụt. Biển số xe đẹp vẫn cứ như mặc định gắn vào xe sang, nhà nước không thu được thêm đồng nào, còn dư luận vẫn râm ran về những “chuyện hậu trường” để có biển đẹp.

“Chính những giao dịch “lách luật” này sẽ càng làm các quan hệ xã hội phức tạp hơn, nhà nước càng khó quản lý hơn, trong khi đó, mục đích chính là hạn chế phương tiện cá nhân vẫn không đạt được. Mặt khác, nếu một công dân đã sở hữu một xe ô tô con (tư liệu sinh hoạt) mà pháp luật lại cấm họ sở hữu thêm một xe tải hoặc xe bán tải (tư liệu sản xuất) hoặc ngược lại thì thứ “pháp luật” đó sẽ làm cản trở sự phát triển của xã hội”- ông Phất nêu quan điểm.

Trước đó, trao đổi với PV, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng Phòng CSGT Hà Nội đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành cần có quy định về việc mỗi công dân được đăng ký 1 biển số xe ô tô và chịu trách nhiệm về biển số đó của mình.

“Mỗi công dân chỉ được sở hữu 1 xe ô tô và 1 biển số, nếu công dân có nhu cầu đổi xe thì vẫn phải sử dụng biển số của xe cũ. Việc này nhằm hạn chế phương tiện cá nhân và xác định phương tiện là chính chủ, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông” - ông Thắng nhấn mạnh.

Trường hợp công dân bán xe và không định sử dụng nữa thì có thể thông báo tới cơ quan công an địa phương để làm các thủ tục xóa sổ số đăng ký đó. Quy định này đang được áp dụng với người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam, làm thủ tục đăng ký xe để lưu hành ở nước sở tại nhưng khi rời Việt Nam thì người nước ngoài phải thông báo cho cơ quan chức năng để xóa sổ số đăng ký xe.

Đại tá Đào Vịnh Thắng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi phương tiện cá nhân đang gia tăng nhanh, việc áp dụng quy định mỗi công dân chỉ được sở hữu 1 biển số và chủ xe phải duy trì tài khoản được thực hiện càng sớm càng tốt.

“Việc mở tài khoản khi đăng ký xe và áp dụng quy định mỗi công dân sử dụng 1 biển số đã được nhiều nước thực hiện, đề xuất này cũng được kiến nghị nhiều năm” - Trưởng Phòng CSGT Hà Nội nhấn mạnh.

Theo Thế Kha (Dân Trí)

Nổi bật