Với 416/464 đại biểu tán thành, chiếm 85,77% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, Quốc hội đã thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Luật Công an nhân dân (sửa đổi) có 7 chương với 46 điều, quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với công an nhân dân (CAND); trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Luật Công an nhân dân (sửa đổi) nêu rõ, cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan được quy định như sau: Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng: Thứ trưởng Bộ Công an, số lượng không quá 6; Trung tướng: Số lượng không quá 35; Thiếu tướng: Số lượng không quá 157.
Những người được cấp hàm Trung tướng gồm: Cục trưởng, Tư lệnh và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an có một trong các tiêu chí sau: có chức năng, nhiệm vụ tham mưu chiến lược, đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương; có hệ lực lượng theo ngành dọc, quy mô hoạt động toàn quốc, trực tiếp chủ trì phối hợp hoặc tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; có chức năng nghiên cứu, hướng dẫn, quản lý nghiệp vụ toàn lực lượng;
Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương; Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân; Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh; Sĩ quan biệt phái được phê chuẩn chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng hoặc tương đương.
Những người được cấp hàm Thiếu tướng gồm: Cục trưởng của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và chức vụ, chức danh tương đương; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I và là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, diện tích rộng, dân số đông (số lượng không quá 11);
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương (số lượng không quá 3); Phó Cục trưởng, Phó Tư lệnh và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an; Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh; Sĩ quan biệt phái được phê chuẩn chức vụ Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng hoặc tương đương.
Về thủ tục phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm trong CAND, Luật quy định Thủ tướng trình Chủ tịch nước phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng.
Việc phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng đối với sĩ quan CAND biệt phái theo đề nghị của cơ quan, tổ chức nơi được cử đến biệt phái và Bộ trưởng Bộ Công an.
Thủ tục phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm sĩ quan cấp tá, cấp úy và hạ sĩ quan, chiến sĩ do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019. Các quy định về cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2019.
Luật CAND số 73/2014/QH13 ngày 27/11/2014 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Theo Nhạc Dương (VTC.vn)