Đoạn clip PV ghi nhận hình ảnh Pao đang cố gắng chống chọi với bệnh tật trên giường bệnh
Bố chết, mẹ bỏ đi, một mình em phải lo cho 5 người em
Ngày 10/7, chúng tôi gặp Thào A Pao, người Mông (17 tuổi) đang nằm rên rỉ trên giường bệnh tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia (Hà Đông, Hà Nội). Tay phải của cậu đã bị đứt lìa, tay trái hoại tử phải cắt bỏ, chân và nhiều vị trí khác cũng bị bỏng nặng trong đợt mưa lũ tàn phá khu vực Tây Bắc cuối tháng 6/2018 vừa qua.
Tiếp xúc với chúng tôi, Pao chỉ nói được một chút tiếng Việt nhưng không sõi, chàng trai kể: em sinh năm 2001, bản Sì Phài, xã Dào San, huyện Phong Thổ, Lai Châu, bố em chết rồi, mẹ bỏ đi lấy chồng Trung Quốc hay sao nên không có liên lạc gì.
"Hôm nọ, em đi chăn trâu rồi bị điện giật cụt mất tay phải, giờ bác sĩ bảo phải cắt cả tay trái nữa"- Pao nói.
Từ ngày được chuyển từ Lai Châu xuống viện Bỏng Quốc gia để điều trị, Pao mất luôn cả khái niệm ngày tháng. Em bảo, không biết đã nằm ở đây bao lâu rồi, chỉ biết là rất lâu.
Từ ngày nhập viện, những cơn đau, cơn sốt hành hạ thân xác Pao khiến cậu không ngủ được. Lúc đau quá thì thiếp đi được một chút, thời gian tỉnh, ngoài cơn đau Pao còn lo lắng cho 5 đứa em nhỏ ở nhà.
Sợ phải đi tù vì làm mất trâu của chủ, em trèo lên trạm biến áp để tìm từ trên cao
Kể về nỗi đau của đứa cháu, ông Ma A Nủ (chú rể Pao) cho hay, vào khoảng hôm 25/6, Pao đi chăn trâu thuê cho một gia đình ở thôn. Hôm đó đúng vào thời điểm mưa lũ đỉnh điểm, trời mưa, sấm chớp nổ đùng đoàng khiến đàn trâu chạy toán loạn.
Lo mất trâu và sợ phải đền hoặc 'đi tù', Pao trèo lên đồi cao để nhìn xuống xem có thấy trâu đâu không. Khi lên đến trên đồi, do cây cối rậm rạp, Pao thấy có trạm biến áp đặt trên đồi là chỗ cao nhất có thể nhìn xuống dưới.
Thấy vậy, do không hiểu biết Pao liền trèo lên mà không để ý đến những cảnh báo nguy hiểm.
Một tiếng nổ lớn vang lên, những người đi chăn trâu cùng chạy đến thì thấy Pao đã nằm bất tỉnh dưới đất. Tay phải Pao cháy đen, tay trái cũng bị tổn thương rất nặng. Ngoài ra, đầu Pao cũng bị một vết thương dài do va đập, bên gót chân phải bị cháy tróc da…
Pao bảo: "Lúc đó em chỉ sợ mất trâu nên không nghĩ đến việc bị điện giật hay nguy hiểm."
Ông Nủ nhớ lại, lúc ông chạy đến thì thì thấy Pao đã tỉnh lại nhưng sức khỏe rất yếu, tay cháy đen xì, mọi người lập tức đưa Pao đến trung tâm y tế xã. Xã sơ cứu rồi chuyển gấp ra huyện rồi chuyển thẳng xuống Hà Nội.
Bản Sì Phài nghèo, nhà ông Nu nghèo, nhà Pao còn nghèo hơn. Hôm đưa cháu ra viện, trong nhà ông Nu không có một đồng một cắc nào. Đi vay mượn cả bản được 5 triệu đồng, đó là tất cả những gì gia đình gắng gượng để cứu lấy đứa cháu.
Theo lời ông Nu, nhà Pao có 6 anh em, Pao là con cả, đứa thứ 2 năm nay 14 tuổi, còn đứa út thì mới 3-4 tuổi. Nhà nghèo, bố lại hay đau ốm nên thường xuyên cãi vã với vợ.
Một lần, hai vợ chồng cãi nhau, khi đó Pao mới 14 tuổi, bố Pao nghĩ quẩn đã lên rừng ăn lá ngón tự tử.
Bố mất, Pao phải bỏ học để ở nhà làm nương rẫy, phụ mẹ nuôi 5 em. Những lúc không làm nương, Pao lại đi chăn trâu.
Trớ trêu thay, do cuộc sống vất vả, người mẹ không chịu được nữa nên cũng bỏ Pao và bầy con thơ để theo người đàn ông Trung Quốc sang bên kia biên giới xây dựng cuộc sống mới. Từ đó, Pao trở thành lao động chính để nuôi các em.
Nhìn Pao sắp bị cụt cả 2 tay, nhiều người trong phòng bệnh 614 tầng 6 khoa Bỏng người lớn (Viện Bỏng Trung ương) thở dài: "Giàu 2 con mắt, khó đôi bàn tay. Không biết sau này Pao và bầy em sẽ sống thế nào ".
Bác sĩ Vinh (khoa Bỏng người lớn) cho biết: trường hợp của Pao rất thương tâm, bố chết, mẹ thì bỏ đi, đàn em nheo nhóc. Cánh tay trái của Pao hoại tử, không thể giữ được dù các bác sĩ đã rất cố gắng. Cuộc sống về sau này của Pao sẽ rất khó khăn.
Quý độc giả có lòng hảo tâm giúp đỡ cho trường hợp của Thào A Pao. Xin vui lòng trực tiếp đến phòng 614, khoa Bỏng Người lớn, Viện Bỏng Quốc gia.
Do những người thân của Pao không có chứng minh thư nhân dân nên không thể đăng ký được số tài khoản cá nhân. Quý vị có thể liên hệ qua số điện thoại của ông Thà A Chảo (bác ruột Pao): 01685492867.
Theo Minh Ngọc (Thời Đại)