BN 1440 xét nghiệm 9 lần vẫn dương tính SARS-CoV-2: Liệu có bất thường?

12/01/2021 09:51:06

Bệnh nhân 1440 - nam thanh niên nhập cảnh trái phép từ Myanmar có kết quả xét nghiệm 9 lần dương tính với virus SARS-CoV-2 sau hơn 2 tuần ngày cách ly và điều trị tại Vĩnh Long. Vậy ca bệnh này có điều gì bất thường?

Ngày 12/1, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long cho biết, thực hiện xét nghiệm lần thứ 9 đối với BN 1440 (trường hợp nhập cảnh trái phép từ Myanmar) vẫn cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Từ lúc nhập viện cho đến nay, bệnh nhân 1440 sức khỏe ổn định, không có biểu hiện sốt, ho khó thở; không xuất hiện triệu chứng bất thường. Mặt khác, Covid-19 chưa có thuốc đặc trị, do đó bệnh nhân được theo dõi sức khỏe và bổ sung dinh dưỡng.

“Có những trường hợp bệnh nhân điều trị 4 tuần thì cho kết quả âm tính, nhưng cũng có ca bệnh kéo dài hơn 2 tháng mà kết quả xét nghiệm vẫn dương tính. Điều này tùy vào hoạt lực của virus trong cơ thể nhiều hay ít.

BN 1440 xét nghiệm 9 lần vẫn dương tính SARS-CoV-2: Liệu có bất thường?
Diễn tập lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Ảnh: Bộ Y tế.

Đối với trường hợp của BN 1440, hoạt lực của virus mạnh và bệnh nhân này mới điều trị hơn 2 tuần. Hiện tại, cách một ngày BN 1440 sẽ được lấy mẫu gửi đi xét nghiệm”, Văn Công Minh - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long cho biết.

Còn theo báo Tuổi Trẻ, bác sĩ Vũ Minh Điền (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, trường hợp của BN 1440 không phải hiếm gặp bởi trước đây Việt Nam đã điều trị cho một số bệnh nhân gặp tình trạng dương tính kéo dài.

Trong số đó có kể để đến trường hợp phải xét nghiệm tới 15 lần trong suốt quá trình điều trị hoặc bệnh nhân N.T.D. ở Vĩnh Phúc (một trong số ca bệnh COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam), tổng thời gian có xét nghiệm cho kết quả dương tính kéo dài tới gần... 4 tháng.

Tuy nhiên khác với ca bệnh 1440, những bệnh nhân kể trên đã có kết quả âm tính tại bệnh viện, về nhà rồi lại dương tính phải trở lại bệnh viện. Lý do tái dương tính được giải thích là do một gen của virus đã "trốn" vào tế bào bạch cầu nào đó và đến một thời điểm đoạn gen ấy lại lộ ra, khi xét nghiệm (kỹ thuật Realtime PCR) lại nhận mặt được đoạn gen. Nhưng khi nuôi cấy virus ở những bệnh nhân này thì thấy virus không mọc lại, chứng tỏ virus đã chết, không gây tình trạng lây lan.

Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật