Với tay trúng bình trà vừa châm nước sôi, bé gái một tuổi đang trong tình trạng nguy kịch.Ngày 21/5, bác sĩ Đặng Thị Thanh Thuý, Phó Khoa Phỏng – Tạo hình, bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết đơn vị mình đang tích cực điều trị cho một bé gái bị phỏng bình nước trà.
Bé H. đang được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: Thanh Huyền |
Ngay lập tức bé H. được sơ cứu vết thương, cho truyền dịch chống sốc, chỉ định nhiều loại kháng sinh đặc hiệu để kiểm soát nhiễm trùng.
“Trường hợp này còn phải theo dõi thêm ít nhất 1 tuần, chúng tôi chưa có lịch cắt lọc vết thương. Bệnh nhi đang có dấu hiệu nhiễm trùng máu”, bác sĩ Thuý nói.
Dù sau này hồi phục nhưng bé gái phải đối mặt với vấn đề về thẩm mỹ vì nguy cơ bị sẹo lồi, nhất là vùng ngực và tay.
Nếu bệnh nhi không được tập vật lý trị liệu tốt, ngay cả phần mặt cũng có nguy cơ bị co kéo biến dạng.
Mỗi ngày, khoa Phỏng – Tạo hình tiếp nhận 2 – 3 ca phỏng nước sôi. Cách đây vài ngày, cũng có một bé trai đang tuổi tập đi bước thụt lùi, té ngồi vào nồi canh. May mắn cháu bé chỉ bị tổn thương nhẹ nên đã xuất viện sớm.
Điều bác sĩ Thuý muốn cảnh báo phụ huynh không chỉ ở việc trông chừng để mắt con trẻ mà là cách xử trí sơ cứu khi trẻ bị phỏng.
Phụ huynh khi thấy con bị phỏng nước sôi cần cho bé ngâm vết thương đủ lâu trong nước sạch (nước mát), ngâm ít nhất 10 phút. Sau đó, mọi người mới quấn bé vào khăn sạch rồi đưa tới bệnh viện.
Nhiều bà mẹ quá hoảng loạn, thay vì sơ cứu lại ẵm con tới thẳng bệnh viện ngay, làm vết thương phỏng sâu thêm, gây tổn thương càng phức tạp.
Theo Thanh Huyền (Phụ Nữ TP.HCM)