Bình Dương vượt mốc 22.000 ca nhiễm COVID-19, thành lập Văn phòng thường trực cho chiến dịch tiêm vắc xin 'thần tốc'

05/08/2021 14:43:38

300.000 công nhân và người dân tại Bình Dương sẽ được tiêm vắc xin COVID-19 trong 4 ngày. Tỉnh đã lập Văn phòng thường trực và Tổ giúp việc cũng như huy động mọi nguồn lực y tế để phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng "thần tốc" này.

Từ ngày 5-8/8/2021, 300.000 công nhân và người dân tại Bình Dương sẽ được tiêm vắc xin COVID-19 phân bổ từ nguồn của Chính phủ.

Để phục vụ cho chiến dịch gấp rút này, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Văn phòng thường trực và các Tổ giúp việc Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 4/8/2021.

Bình Dương vượt mốc 22.000 ca nhiễm COVID-19, thành lập Văn phòng thường trực cho chiến dịch tiêm vắc xin 'thần tốc'
300.000 công nhân và người dân tại Bình Dương sẽ được tiêm vắc xin COVID-19 từ ngày 5-8/8/2021.

Theo đó, Văn phòng thường trực có 9 thành viên. Ông Huỳnh Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế làm Chánh Văn phòng.

Văn phòng có nhiệm vụ và quyền hạn: Giúp việc cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh trong công tác điều hành, điều phối hoạt động; đảm bảo công tác phối hợp, kết nối giữa các Tiểu ban được thực hiện hiệu quả.

Ứng trực 24/7 để theo dõi tình hình triển khai chiến dịch, phối hợp với các Tiểu ban để xử lý các tình huống phát sinh. Trực tiếp báo cáo đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo về tiến độ thực hiện hoạt động của chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Các Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo được thành lập gồm: Tổ Tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin; Tổ chỉ đạo tiêm chủng; Tổ An toàn tiêm chủng; Tổ Giám sát chất lượng vắc xin; Tổ ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng và truyền thông.

Bình Dương vượt mốc 22.000 ca nhiễm COVID-19, thành lập Văn phòng thường trực cho chiến dịch tiêm vắc xin 'thần tốc' - 1
Tỉnh Bình Dương huy động mọi nguồn lực cho chiến dịch tiêm chủng "thần tốc".

Ngoài ra, tỉnh cũng huy động mọi nguồn lực từ hệ thống y tế công lập đến tư nhân để đáp ứng nhân lực phục vụ công tác tiêm chủng.

Tại TP Thuận An và TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương), Hệ thống VNVC sẽ phụ trách tiêm chủng cho 50.000 người, bao gồm công nhân ở các khu công nghiệp và người dân trong các khu dân cư trên địa bàn.

Để đảm bảo cho việc tiêm chủng đúng tiến độ, VNVC huy động gần 60 đội tiêm, với 300 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên hỗ trợ từ nhiều địa phương và nhiều trung tâm, bao gồm cả lực lượng dự bị vốn đang nghỉ việc.

Phần lớn nhân viên y tế trong lực lượng này đã tham gia chiến dịch tiêm chủng thần tốc lần thứ 3 tại TP.HCM.

Về quy trình phối hợp, Sở Y tế và CDC tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức chiến dịch tiêm chủng, cấp phát vắc xin, giám sát năng lực chuyên môn và tiến độ tiêm chủng.

VNVC sẽ nhận vắc xin từ CDC Bình Dương mang về các kho lạnh đạt chuẩn GSP để bảo quản, cấp phát mỗi ngày cho các điểm tiêm do ngành y tế Bình Dương chỉ định.

Bình Dương vượt mốc 22.000 ca nhiễm COVID-19, thành lập Văn phòng thường trực cho chiến dịch tiêm vắc xin 'thần tốc' - 2
Bình Dương hiện đã có hơn 22.000 ca bệnh nên vấn đề tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là rất bức thiết.

Ở một diễn biến khác, UBND tỉnh Bình Dương vừa đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thành lập Bệnh viện Hồi sức cấp cứu bệnh nhân COVID-19 Bình Dương với quy mô 500 giường (dự kiến đặt tại Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, TP Thủ Dầu Một) trong nỗ lực làm giảm tỉ lệ bệnh nhân tử vong.

Sáng 5/8, Bình Dương ghi nhận thêm 309 ca mắc COVID-19 mới, đồng thời báo cáo bổ sung 188 ca mắc từ ngày 19/7/2021 đến ngày 31/7/2021.

Trong đợt dịch thứ 4 (tính từ ngày 27/4 đến nay), toàn tỉnh ghi nhận 22.053 bệnh nhân COVID-19, đứng thứ 2 cả nước (chỉ sau TP.HCM).

Tỉnh cũng đã ra hướng dẫn việc thí điểm cách ly F0 tại nhà trong tình hình dịch đang diễn biến rất phức tạp. 

Theo Hoàng Lê (Nhịp Sống Việt)

Nổi bật