Trước đó, liên quan đến sự cố cháy nổ tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, chiều ngày 11/9, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), công ty Rạng Đông và Công ty cổ phần Môi trường đô thị và công nghiệp Urenco 10 (Công ty Urenco 10) đã họp bàn, thống nhất phương án thu gom, xử lý chất thải tại hiện trường.
Theo đó, Công ty Urenco 10 sẽ tiến hành tháo dỡ, vận chuyển chất thải như vật liệu làm bóng đèn,... mang đi xử lý. Công việc sẽ được bắt đầu sau khi Bộ tư lệnh binh chủng Hóa học phun thuốc để cô lập, tránh tình trạng thủy ngân có thể phát tán ra ngoài.
Phạm vi tiêu, tẩy độc được xác định cả trong và ngoài khu vực Công ty Rạng Đông khoảng hơn 6.000 m2. Sau khi mặt bằng vụ cháy được dọn sạch, Bộ tư lệnh binh chủng Hóa học sẽ tiếp tục sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại để tiến hành tẩy độc tại chỗ. Đây là đơn vị tiến hành giám sát toàn bộ quá trình thu gom, xử lý rác thải và tẩy độc. Việc thu gom chất thải đưa đi xử lý phải đảm bảo an toàn, dự kiến hoàn thành trước ngày 15/9.
Đối với Công ty Rạng Đông, thực hiện yêu cầu của UBND TP Hà Nội, ngay sau khi thực hiện tẩy độc nhà kho, sẽ tiến hành di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới.
Theo ông Trần Trung Tưởng - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, lãnh đạo công ty đã có kế hoạch di dời nhà kho sang Quế Võ, Bắc Ninh, từ nay đến năm 2022 phải hoàn thành.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, chiều ngày 5/9 Bộ Tư lệnh Hóa học đã cử lực lượng chuyên trách xuống hiện trường lấy mẫu về phân tích nồng độ ô nhiễm hóa chất do cháy cháy nhà kho của Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông.
Theo đó các cán bộ Viện Hóa học Môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học) đã lấy 25 mẫu đất, nước, bùn, tro xỉ, vữa tường, vỏ bóng đèn vỡ... từ đám cháy ở Công ty Rạng Đông đưa về phân tích tại phòng thí nghiệm.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng làm rõ phạm vi, giới hạn khu vực ô nhiễm môi trường, mức độ ô nhiễm; nguyên nhân; trách nhiệm liên quan; các biện pháp khắc phục; tiếp tục theo dõi, quan trắc diễn biến chất lượng môi trường, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương triển khai các giải pháp kịp thời ứng phó sự cố; tổ chức theo dõi, thăm khám sức khỏe kịp thời cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng của sự cố.
Đồng thời, UBND TP Hà Nội cần có biện pháp trước mắt giúp Công ty Rạng Đông phục hồi sản xuất. Về lâu dài tiếp tục triển khai thực hiện việc di dời Công ty này và các cơ sở, nhà máy có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm ra khỏi khu vực đô thị và khu vực tập trung đông dân cư theo Kế hoạch đã được chỉ đạo; làm đầu mối công khai kịp thời thông tin về sự cố môi trường.
Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác; thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để kịp thời ra khuyến cáo áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân khu vực bị ảnh hưởng do sự cố. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW phải tiến hành rà soát, thống kê toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, hóa chất nguy hiểm và có phương án để quản lý chặt chẽ.
Theo Minh Nhân (Nhịp Sống Việt)