Biệt thự cổ hoang phế ở Sài Gòn được tháo dỡ

25/10/2018 10:29:24

Rộng gần 500 m2, biệt thự kiến trúc Pháp ở quận Bình Thạnh được phép tháo dỡ sau hơn hai năm bị đình chỉ thi công.

Biệt thự cổ hoang phế ở Sài Gòn được tháo dỡ
Căn biệt thự đã bị tháo dỡ xong. Ảnh: Duy Trần.

Ngày 25/10, biệt thự số 237 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, được nhóm thợ tháo dỡ hoàn toàn. Chỉ còn một số khu vực có kết cấu khó đang được máy xúc phá bỏ. Gạch vữa chất thành đống trong khuôn viên rộng 443 m2 chờ chuyển đi.

"Chúng tôi được thuê phá dỡ căn biệt thự từ tuần trước. Mỗi viên gạch cổ ở đây được bán lại với giá 5.000 đồng. Nhà ít cốt thép, chỉ có những lớp vữa mỏng, kết dính kém nên việc phá bỏ cũng nhanh", một công nhân chia sẻ.

Chủ biệt thự là người phụ nữ ở Bình Dương. Tháng 6/2016, bà cho thợ tháo dỡ để xây mới nhưng gặp sự phản đối của nhiều nhà nghiên cứu vì cho biệt thự là công trình cổ, cần bảo tồn.

UBND quận Bình Thạnh sau đó đình chỉ thi công, chờ quyết định của UBND TP HCM. Suốt hai năm qua công trình nằm hoang phế ở khu dân cư sầm uất, sát trung tâm Sài Gòn. Các bức tường, cột kèo mục ruỗng đầy rêu phong, cỏ mọc um tùm...

Mới đây, sau khi xem xét đề xuất từ các cơ quan chức năng, UBND TP HCM đồng ý xếp loại công trình này vào nhóm 3 - biệt thự không phải bảo tồn, gia chủ được tiếp tục thi công.

Biệt thự cổ hoang phế ở Sài Gòn được tháo dỡ - 1
Biệt thự lúc chưa tháo dỡ và khi bị tháo bỏ dang dở năm 2016.

Biệt thự được xây theo phong cách châu Âu, hoàn thành năm 1923. Do căn nhà có tranh chấp nên việc bảo dưỡng không được thực hiện, bị xuống cấp trầm trọng. Cuối năm 2015, chủ nhà từng rao bán giá 35 tỷ đồng.

Trong cuốn Sài Gòn – Chuyện đời của phố, tác giả Phạm Công Luận từng đề cập đến căn biệt thự này ở bài Nhà cổ ven đường. Căn nhà nằm trong một loạt biệt thự được đại gia Sài Gòn xây gần nhau tại khu vực cầu Băng Ky. Qua việc thu nhập tư liệu, ông Luận mô tả biệt thự được xây trên nền đất cao, đẹp nhất khu ngã năm Bình Hòa của Sài Gòn xưa.

TP HCM còn hơn 100 biệt thự của Pháp. Chủ nhà muốn tháo dỡ hoặc tu sửa phải xin giấy thẩm định từ Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM và giấy phép của UBND thành phố.

Theo Duy Trần (VnExpress.net)

Nổi bật