Nhiều năm nay, dạy thêm - học thêm không chỉ trở thành gánh nặng tiền bạc với các gia đình có con học phổ thông mà còn lấy đi khoảng thời gian vui chơi, tham gia các hoạt động khác của những đứa trẻ.
Theo nhiều giáo viên, việc quản lý dạy thêm - học thêm lâu nay chỉ chặt chẽ trên mặt giấy tờ, quy định. Còn thực tế hoạt động này đã biến tướng dưới nhiều hình thức. Nếu không thống nhất trong quy định quản lý thì dạy thêm - học thêm vẫn mãi rơi vào tình trạng bệnh cũ tái phát.
Bài 1: Tiểu học... học đại
Ở bậc Tiểu học, các giáo viên chủ nhiệm gần như có toàn quyền, nên hoạt động dạy thêm diễn ra một cách thoải mái, tràn lan như “nấm mọc sau mưa”.
Chị Nguyễn Thị Hằng (trú TP Vinh, Nghệ An) có con năm nay vào lớp 1. Nhiều bạn trong lớp đến nhà cô học thêm nên con chị cũng nằng nặc đòi mẹ cho đi học thêm.
“Ngày nào cô cũng phàn nàn việc con viết chậm, học không tập trung, làm Toán không tốt… Rồi bóng gió việc cô có dạy thêm ở nhà, nếu bố mẹ bận có thể đưa đến nhà để cô kèm cặp thêm. Lấy lý do con còn đi học năng khiếu chỗ khác nên tôi chỉ đăng ký lớp 2 buổi/tuần”, chị Hằng chia sẻ.
Mỗi chiều tan học cảnh phụ huynh mua vội cho con xiên que, bánh mì, thịt xiên nướng… ăn tạm để kịp chạy sô vào ca 3 đã thành quen thuộc tại cổng các trường tiểu học Hà Nội. Giáo viên thường thuê phòng học ở ngõ, ngách gần trường để đưa học sinh đến học tiếp Toán, Tiếng Việt từ 5 giờ đến 7 giờ tối.
“Giờ này về nhà rồi quay lại cũng dở mà đứng chờ con vô cùng sốt ruột. Ở nhà chưa ai nấu cơm tối cho cả gia đình. Con tan học 19 giờ hai mẹ con lao về đến nhà mất 30 phút, khi đó mới tắm rửa, cơm nước xong 9 giờ tối. Ăn xong con lại lao vào học bài, làm bài tập chuẩn bị cho ngày mai”, chị Trần Thu Hà có con học tiểu học nói.
Chị Trần Thị Thuỷ, có con học lớp 2 ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), chia sẻ, ngoài học cả ngày ở trường, con còn học thêm với giáo viên chủ nhiệm hai môn Toán, Tiếng Việt ngày thứ 2, thứ 4 từ 17 - 19 giờ. Mỗi buổi có mức học phí là 120.000 đồng. Lớp sĩ số gần 50 học sinh thì có hơn 40 em đều đăng ký học.
“Điều tôi xót xa nhất là sức khoẻ của con. 7 tuổi, vừa mới học lớp 2, con đã học cả ngày dài ở trường. Về đến nhà muộn, bữa cơm vội vàng, mệt mỏi nhưng vẫn phải cố gắng trụ để làm bài tập cô giao trên lớp. Lắm hôm, con ngủ gục ở bàn nhìn thương lắm nhưng tôi không dám có ý kiến trong nhóm phụ huynh, sợ có người mách cô, con lại bị đì”, chị Thuỷ nói.
Rút kinh nghiệm từ năm ngoái con vào lớp 1 kiến thức đơn giản nên chỉ đăng ký học thêm giáo viên chủ nhiệm một thời gian ngắn chị xin cho con nghỉ để dành thời gian học ngoại ngữ và các môn kỹ năng sống ở trung tâm.
“Nhưng cô giáo có thái độ khác hẳn với con. Nếu như trước đó đi học thêm cô thường xuyên trao đổi bài vở ở lớp thì sau khi nghỉ, con thường xuyên bị chê bai chữ xấu, viết chậm, không theo kịp các bạn. Sốt ruột, tôi thuê gia sư kèm 1-1 để không mất công đưa đón và nhận thấy con không đến nỗi nào nhưng cuối năm bài kiểm tra vẫn chỉ được 9 điểm Toán, 8 điểm Tiếng Việt”, chị Thuỷ nói.
Anh N.H (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) có con đang học lớp 4, mỗi tuần cháu đi học thêm 3 lần. “Học xong buổi chiều cháu đến thẳng trung tâm dạy thêm, do một cô giáo trong trường mở. Ca học tối của cháu từ 17-19 giờ, chủ yếu học ba môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh”, anh H nói.
Thấy con đi học từ sáng tới 7 giờ tối mới về cũng xót, nhưng hầu như phụ huynh nào cũng cho con đi học thêm. Theo anh H, khi cháu đi học thêm, về nhà gần như không cần mở sách vở ra ôn bài nữa. Toàn bộ kiến thức cần ôn luyện cô cho học hết trên lớp học thêm, thỉnh thoảng chỉ mở mấy môn phụ ra xem.
“Mấy bài kiểm tra trên lớp đều na ná với bài cô ôn luyện ở lớp học thêm. Nếu con mình không đi thì con chịu thiệt. Tui còn lo cháu bị “đì” nữa”, một phụ huynh bày tỏ.
Cấm vẫn lách
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, cô Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), cho hay, theo quy định, đối với học sinh học 2 buổi/ngày, trường không tổ chức dạy thêm, học thêm. Nhà trường đã yêu cầu các giáo viên ký cam kết không dạy thêm ở nhà.
Theo Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, từ đầu năm học, Sở đã có văn bản yêu cầu các trường chỉ đạo các giáo viên không dạy trước chương trình, tuyệt đối không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh đối với các lớp dạy học 2 buổi/ngày và không dạy thêm, học thêm dẫn đến gây áp lực cho học sinh và phụ huynh.
Khi được các trường quán triệt, nhiều giáo viên vẫn lách theo cách tham gia dạy ở các trung tâm. Nhiều phụ huynh biết có lớp của giáo viên cũng vội đăng ký cho con theo học.
Về vấn đề quản lý dạy thêm, học thêm, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú La, quận Hà Đông (Hà Nội), cho biết, đầu năm học hằng năm, nhà trường đều yêu cầu giáo viên ký cam kết không tổ chức dạy thêm.
Ngoài ra, trong sinh hoạt chuyên môn hằng tuần, Ban giám hiệu thường xuyên nhắc nhở, quán triệt đội ngũ thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ GD&ĐT, trong đó có cả việc không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học. Học sinh tiểu học được học ngày 2 buổi trên lớp đã giải quyết được tất cả bài vở.
Bà Hạnh thừa nhận, có phụ huynh phản ánh tình trạng giáo viên của trường dạy thêm, học thêm.
“Ban Giám hiệu nhà trường đã phối hợp cùng phường, lực lượng công an, tổ dân phố đi đến địa điểm phụ huynh phản ánh để kiểm tra nhưng không phát hiện hiện tượng đó. Nhà trường đã quán triệt, giáo viên đã ký cam kết vẫn tổ chức dạy thêm, vi phạm quy định tuỳ mức độ sẽ bị xử lý”, bà Hạnh nói.
Chị Hồng Tân (huyện Hóc Môn, TPHCM) cho biết, với mức lương công nhân chưa tới 8 triệu đồng mỗi tháng, chị phải chi tiền học thêm cho hai con lớp 2 và lớp 5 gần 2 triệu đồng. Số còn lại không đủ trang trải tiền nhà trọ, sách vở, ăn uống, sinh hoạt phí… cho 3 mẹ con. “Học sinh cấp 1 được miễn học phí, nhưng tôi chưa hết mừng thì phải chi số tiền lớn cho con học thêm, trong lúc một mình phải gồng gánh cả gia đình. Ở lớp của con cháu nào cũng đi học thêm, con không đi học, tôi sợ cháu không theo kịp bạn bè. Ở nhà thì tôi không đủ khả năng tự kèm cặp con, trên lớp thì đông, cô giáo không thể theo sát từng học sinh”, chị nói.
Theo Hà Linh - Thanh Trần - Thu Hiền (Tiền Phong)