Biển cấm đã "hết hiệu lực" vẫn được cắm cả trăm cái tại TP.Vinh

28/05/2017 14:25:00

49 tuyến đường tại TP.Vinh (Nghệ An) được cắm cả trăm biển cấm ôtô với nội dung "gây tranh cãi", khiến một tài xế xe tải phải đâm đơn kiện, dù hết hiệu lực song chưa được thay thế làm người dân vẫn phải chấp hành.

49 tuyến đường tại TP.Vinh (Nghệ An) được cắm cả trăm biển cấm ôtô với nội dung "gây tranh cãi", khiến một tài xế xe tải phải đâm đơn kiện, dù hết hiệu lực song chưa được thay thế làm người dân vẫn phải chấp hành.

Hiện trên hàng loạt tuyến đường tại TP.Vinh như Lê Lợi, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Phan Đăng Lưu, Đại lộ Lê Nin, Nguyễn Văn Cừ, Hồ Tùng Mậu... đều cắm biển báo "gây tranh cãi" này. Với 49 tuyến đường, ước tính biển báo lên tới cả trăm chiếc.

Tuy nhiên, Công an TP.Vinh Hoàng Duy Hà cho biết hàng loạt biển báo về nội dung này "không còn giá trị" theo Quyết định 70 ban hành ngày 6.12.2016 UBND tỉnh Nghệ An, nửa năm sau khi bắt đầu vụ kiện của tài xế Anh.

Ông Hà giải thích, "biển báo gây tranh cãi" ra đời sau quyết định số 43/2014/QĐ-UBND ngày 28.7.2014 ban hành quy định về tuyến đường, thời gian hạn chế lưu thông, các phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn thành phố và Quyết định số 10/2016/QĐ-UBND ngày 18.1.2016 về điều chỉnh quy định về tuyến đường, thời gian hạn chế lưu thông của của các phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn.

Điều 1 của quyết định số 10 nêu: Cấm các loại xe tải có tổng trọng lượng (bao gồm trọng lượng xe cộng hàng cho phép tham gia giao thông theo thiết kế) từ 4 tấn trở lên và xe ô tô khách từ 16 chỗ trở lên (trừ xe công vụ; xe buýt; xe hợp đồng; xe tham quan du lịch; xe đưa đón cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang; xe phục vụ tang lễ, phục vụ đám cưới) hoạt động từ 6h-22h hàng ngày trên 49 tuyến đường.

bien cam da

Nhiều biển báo "gây tranh cãi" vẫn chưa được bỏ đi ở Vinh dù không còn hiệu lực. Ảnh: Hải Bình

Đến 6.12.2016 UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 70 quy định về tuyến đường, thời gian hạn chế lưu thông của các phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn TP.Vinh.

Tại điều 4, Quyết định số 70 nêu: Cấm các loại xe ôtô tải có khối lượng hàng hóa được phép chuyên chở (theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) từ 1,8 tấn trở lên và xe ôtô khách từ 16 chỗ trở lên (trừ xe công vụ; xe buýt; xe hợp đồng; xe tham quan du lịch; xe đưa đón cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang; xe phục vụ tang lễ, phục vụ đám cưới) hoạt động từ 6h-22h hàng ngày trên 49 tuyến đường.

UBND TP.Vinh được giao thực hiện việc nhổ bỏ loạt biển báo cũ để thay biển báo mới theo nội dung Quyết định số 70. Tuy nhiên đến nay tròn nửa năm, việc thay biển báo vẫn chưa được triển khai.

Theo thượng tá Hà, Quyết định số 70 đã có hiệu lực nhưng UBND thành phố chưa thực hiện cắm lại biển báo mới gây nhiều khó khăn cho cảnh sát giao thông. Vì vậy từ tháng 12.2016 đến nay họ chưa áp dụng việc xử phạt với những xe vi phạm khi đi vào các tuyến đường này.

Đề cập việc chậm thay biển báo sau nửa năm Quyết định số 70 có hiệu lực, một cán bộ UBND TP.Vinh cho biết đã giao cho công ty hạ tầng triển khai. "Nhưng có thể gặp khó khăn trong nguồn vốn sự nghiệp sự tự chính nên có chậm một chút".

Trong khi các cơ quan chức năng còn "chưa vội" thì việc để tồn tại những tấm biển không còn hiệu lực này đã gây hiểu nhầm cho người dân. "Bây lâu nay tôi vẫn cứ nghĩ những biển báo nói trên được cắm tại nhiều tuyến đường ở TP.Vinh là có hiệu lực nên không dám đi vào vì sợ bị phạt. Tại sao cứ để như vậy, gây ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân", một tài xế xe tải nói.

Trong đơn kiện gửi TAND TP.Vinh vào tháng 5.2016, tài xế Phan Đình Anh, làm việc tại doanh nghiệp tư nhân Võ Minh, trình bày sáng 8.3.2016 ông điều khiển xe tải đi vào đầu đường Lê Lợi và bị cảnh sát giao thông phạt lỗi "đi vào đường cấm"

Ông Anh cho rằng biển báo cấm xe 4 tấn đi vào, nhưng xe trọng lượng 3,4 tấn và không chở hàng, vì thế tính theo "xác xe" thì không vi phạm. Ông Anh sau đó không chấp hành các quyết định xử lý của cảnh sát giao thông.

Còn phía cảnh sát giải thích: "Trên tấm biển này có biểu tượng 4T và hình chiếc ôtô, được hiểu là tổng trọng lượng xe (gồm xe và hàng) cho phép chuyên chở. Trong trường hợp này xe tải của tài xế Anh có trọng lượng 3,4 tấn, thùng xe được phép chở gần 4 tấn, tổng cộng hơn 7 tấn".

Gần 10 ngày sau, ông Anh nhận quyết định xử phạt với các lỗi: đi vào đường cấm; không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; không mang giấy phép lái xe;... Tổng số tiền xử phạt 4,9 triệu đồng. Xe bị tạm giữ 9 ngày.

Không đồng tình, ông Anh làm đơn khởi kiện Trưởng Công an thành phố.

 
Theo Hải Bình (VnExpress.net)