Vào ngày 6/1 trên mạng xã hội chia sẻ một đoạn clip với nội dung, một người đàn ông trung niên được CSGT yêu cầu thổi máy đo nồng độ cồn để kiểm tra. Thế nhưng người này chỉ muốn nhận lỗi chứ không chịu thổi vào máy đo.
"Chắc chắn tôi có nồng độ cồn, mức cao nhất. Tôi uống rượu rồi, không thổi cũng có mức, thổi cũng có mức, thì mức cao nhất của nồng độ cồn, tôi chấp nhận hết", người đàn ông lớn tiếng.
Ngay sau đó, người này đổi xưng hô và tỏ thái độ bất hợp tác.
"Tao không thổi, cái thổi kia không thích thổi, nhưng tao vẫn chấp hành. Rượu tao uống, phạt tao chịu", người này cho hay.
CSGT giải thích cho người đàn ông nếu không thổi máy đo nồng độ cồn tức là không chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng. Nhưng người đàn ông vẫn không nghe.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, hành vi uống rượu bia khi lái xe sẽ bị phạt tới 40 triệu đồng.
Về hành vi từ chối thổi vào máy đo nồng độ cồn, theo điểm b khoản 10 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.
Với cùng hành vi này, người điều khiển xe máy, bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng (điểm g khoản 8 Điều 6); bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Người điều khiển máy kéo, xe chuyên dùng sẽ bị phạt từ 16 - 18 triệu đồng (điểm b khoản 9 Điều 7) đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ nếu điều khiển xe máy chuyên dùng từ 22 - 24 tháng.
Đặc biệt, người đi xe đạp, xe đạp điện nếu không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của CSGT cũng bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng (theo điểm d khoản 4 Điều 8).
Mức phạt khi từ chối thổi vào máy đo nồng độ cồn được quy định bằng với mức phạt cao nhất đối với vi phạm về nồng độ cồn.
HP (Nguoiduatin.vn)