Bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Bí thư Thành ủy Thuận An (tỉnh Bình Dương) hôm nay thông tin trên báo Dân Việt, bà đã yêu cầu phía phường Vĩnh Phú (TP Thuận An) báo cáo, giải trình vụ cưỡng chế người phụ nữ đi test Covid-19.
Theo bà Phương chia sẻ với nguồn trên, quan điểm của thành phố là phải nghe anh em giải trình lý do vì sao buộc phải thực hiện biện pháp cưỡng chế như vậy, rồi mới có cơ sở để xử lý.
Bà nói, việc nào anh em ở phường làm đúng thì khẳng định đó là đúng, còn làm sai sẽ có hình thức xử lý phù hợp. Chiều nay hoặc sáng mai, đơn vị chức năng sẽ họp để nghe bao cáo giải trình.
Bí thư Thành ủy Thuận an cho hay, qua báo cáo được biết, bà H.T.P.L. (người bị cưỡng chế, ngụ tại chung cư Ehome 4, thuộc phường Vĩnh Phú) đã nhiều lần không chịu điền thông tin vào phiếu lấy mẫu xét nghiệm, thậm chí còn nói chỉ test 1 lần, không bao giờ ra test cộng đồng nữa.
Công an điều tra việc một nhóm có giấy mời tiêm đóng dấu đỏ nhưng không thuộc diện được tiêm
"Chị L. đã ít nhất 3 lần không chịu ra lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng. Danh sách test Covid-19 cộng đồng của phường Vĩnh Phú nhiều lần không có tên chị. Chúng tôi yêu cầu việc lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng thì bắt buộc 100% dân số phải ra test, như vậy mới đảm bảo làm sạch F0 trong cộng đồng được", báo Dân Việt dẫn lời Bí thư Thành ủy Thuận An Huỳnh Thị Thanh Phương.
Chia sẻ trên báo Pháp luật TP.HCM, bà Huỳnh Thị Thanh Phương cho rằng, địa phương đang trong giai đoạn quyết liệt lấy mẫu xét nghiệm để kiểm tra mức độ an toàn ở từng khu vực. Từ đó sớm đưa cuộc sống người dân về lại bình thường mới sau ngày 30/9. Theo bà, mỗi người dân chỉ mất vài phút là hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu ai cũng không chấp hành thì việc chống dịch làm sao có thể hiệu quả.
"Ở vụ việc này, nếu chị L. dương tính và để lây lan dịch bệnh thì nỗ lực trong suốt thời gian qua của địa phương sẽ trở nên vô nghĩa", bà Phương trả lời báo Pháp luật TP.HCM.
Trả lời trên báo Phụ nữ online, Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú - ông Võ Thanh Quan cho hay, gần 10h ngày 28/9, Ban quản lý chung cư Ehome 4 thông tin về việc bà L. đã "trốn" test Covid-19 hai lần. Lần này là lần thứ 3, song người phụ nữ này vẫn không chịu ra test trong khi chung cư đã phát hiện 2 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Sau đó, ông và đoàn công tác đến chung cư mời ra làm việc nhưng bà L. không trả lời mà đóng chặt cửa. Có một cán bộ trong đoàn đứng lên chiếc ghế bảo bà L. tranh thủ ra test Covid-19. Bà L. đáp đang bận dạy, không đi đâu hết rồi đóng cửa sổ lại.
Lực lượng chức năng đứng chờ khoảng hơn 15 phút không giải quyết được nên ông Quan nói gọi thợ mở khóa đến mở cửa "chứ để vậy là không ổn".
"Thợ khóa đến mở cửa, anh em mời ra nhưng chị ấy vẫn nhất quyết không chấp hành nên phải dùng biện pháp trên đưa đi xét nghiệm. Test xong thì chúng tôi lập biên bản chị này về việc vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh và sau đó đã cho thợ sửa 2 ổ khóa cửa cho chị", ông Quan trả lời báo Phụ nữ online, đồng thời cho biết, việc cố gắng đưa bà L. ra test trước tiên cũng vì sức khỏe chính người này, sau đó nữa là sức khỏe của cư dân trong chung cư.
Theo VOV, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND thành phố Thuận An thông tin, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố đã yêu cầu giới chức phường báo cáo đầy đủ việc cưỡng chế bà L. đi test Covid-19. Thành phố sẽ làm rõ các nội dung sự việc và có hướng xử lý phù hợp.
Theo đoạn clip ghi lại sự việc được đăng tải trên mạng xã hội, một đoàn có cả công an và một số người khác mặt đồ thường phục phá khóa một căn hộ ở chung cư. Nhóm lực lượng chức năng sau đó đưa người phụ nữ bên trong nhà ra ngoài test nhanh Covid-19. Người phụ nữ khi đó nói chưa xét nghiệm vì "đang làm việc". Khi bị đưa ra, bà nói: "Đang làm việc mà, sao lại làm vậy". Trong nhà lúc này có tiếng của trẻ con khóc khi bà này bị đưa ra ngoài để test Covid-19.
Sáng 29/9, trao đổi với PV, luật sư Trần Minh Hải (Giám đốc điều hành Công ty luật Basico) cho rằng, sự việc trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo ông Hải, lực lượng chức năng hoàn toàn có thể chọn cách hành xử đảm bảo phòng, chống dịch nhưng tôn trọng chỗ ở người dân.
Trong trường hợp người dân bất hợp tác, cơ quan chức năng có thể đề xuất chị không ra bên ngoài, đảm bảo chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Luật sư Hải nói, việc phá khóa là hành vi vượt quá giới hạn cơ quan chức năng có thể làm. Ở khía cạnh pháp luật, đây là hành vi xâm phạm chỗ ở một cách bất hợp pháp.
"Theo quan điểm của tôi, việc tháo khóa và cưỡng chế cho thấy dấu hiệu lạm quyền trong việc thực thi công vụ. Thậm chí là bệnh nhân F0 vẫn có thể cách ly tại nhà. Việc làm này không phù hợp với thực tiễn của công tác chống dịch hiện nay. Đây là một điều đáng lo ngại...", luật sư Trần Minh Hải phân tích.
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)