"Bí thư Thăng hỏi người dân có bằng lòng di dời để cải tạo kênh rạch không. Chúng tôi sẵn sàng chuyển đi nơi khác nếu được đền bù thoả đáng", người dân chia sẻ.
Ngay trong chiều cùng ngày, ông Thăng đã làm việc với các đơn vị liên quan của TP, quận Bình Thạnh và nhà thầu thi công dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm.
Giải quyết vấn đề ô nhiễm trên kênh rạch là một trong những vấn đề quan tâm của ông Đinh La Thăng. Ảnh: Hải An. |
Bà Nguyễn Thị Thanh Thuý, một cư dân của khu rạch cho biết: “Bí thư Thành uỷ nói TP muốn cải tạo hai bên bờ kênh rạch, có công viên, cây xanh bờ kè cho môi trường trong lành hơn, không biết người dân có ủng hộ và di dời không. Chúng tôi ở đây đều mong muốn rạch này được đẹp như ngoài đường Hoàng Sa, Trường Sa nên sẽ đồng ý di chuyển, nếu TP đền bù thoả đáng”.
Theo bà Thuý, chỉ có một số hộ dân sống ven kênh rạch có giấy tờ sở hữu nhà đầy đủ. Số còn lại là phần đất lấn chiếm, cơi nới sau này.
Người phụ nữ 55 tuổi, đã sống bên rạch Xuyên Tâm hơn 30 năm nay, chứng kiến sự biến đổi từ con rạch trong xanh thành một dòng chảy ô nhiễm, hôi thối. Bà cho biết, cả khu chỉ có gia đình bà xây nhà vệ sinh có bồn cầu, những người còn lại xả chất thải thẳng xuống rạch. “Bao nhiêu người, bao nhiêu rác đổ xuống, nó trở nên đen thui như bây giờ đó”, bà Thuý nói.
Công trình cải tạo rạch Xuyên Tâm vốn đã có từ hàng chục năm trước. Bà Thuý cho hay, lần đầu tiên chính quyền đến đo đạc, thương lượng về việc di dời để cải tạo rạch là năm con trai bà mới 1 tuổi. "Đến nay, nó đã 23 tuổi rồi mà vẫn chưa biết bao giờ di dời".
Người dân vẫn sống chung với muỗi, rác thải, mùi hôi thối xuất phát từ kênh rạch. Ảnh: Hải An. |
Cũng như bà Thuý, ông Nguyễn Tấn Kiên đã có gần nửa thế kỷ sống bên rạch Xuyên Tâm. “Tôi ở đây từ hồi cá dưới rạch còn nhiều, trẻ con xuống tắm được. Vậy mà cỡ vài chục năm nay nó tắc nghẽn hôi thối như vậy”, ông Kiên nói.
Bà Thanh Thu trên đường Nguyễn Xuân Ôn, nơi có rạch Xuyên Tâm chạy qua cho biết: "Rác không trôi ra được, ứ đọng lại, thành ra dịch bệnh, sốt xuất huyết, muỗi, y tế phải đi phun thuốc muỗi. Nói chung ô nhiễm môi trường nặng lắm. Nếu mà cốt lõi thì chỉ có di dời những hộ dân sống trên kệnh rạch ra chỗ tái định cư trên nền đất. Bởi vì, không còn người sống trên kênh rạch thì không còn rác trên kênh rạch nữa".
Trong khi chờ di dời thì người dân vẫn phải sống chung với cảnh ô nhiễm. Ảnh: Hải An. |
Theo Công ty thoát nước đô thị TP HCM, trong 110 kênh rạch do công ty này quản lý, có 54 tuyến sông rạch bị san lấp, lấn chiếm. Trong số đó, quận Bình Thạnh có tới 8 tuyến. Riêng đối với rạch Xuyên Tâm, kéo dài 6,2 km từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, UBND TP HCM đã phê duyệt dự án nạo vét, cải tạo môi trường có tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ theo hình thức PPP từ 2015 đến 2022. Dự án này nhằm mục tiêu cải tạo kết hợp chỉnh trang đô thị hai bên tuyến rạch, đáp ứng nhu cầu thoát nước cho lưu vực rộng hơn 700 ha.
Theo Hà Hương (Zing.vn)