Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng thẳng thắn nhìn nhận kinh tế xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn nhiều khó khăn, tăng trưởng thiếu bền vững, chưa xứng với tiềm năng và lợi thế. Trong đó, Bí thư Thăng nhấn mạnh đến tình trạng hạ tầng đô thị chưa phát triển.
Theo Bí thư Đinh La Thăng, để phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì phải thay đổi cơ chế theo hướng phục vụ cho một đặc khu kinh tế. “Đặc khu ở đây phải hiểu trong không gian mở của Vùng kinh tế trọng điểm. Chứ không phải một khu vực nhỏ với vài chính sách đặc biệt”, ông Thăng nói.
Bí thư Thăng đề nghị các bộ ngành xem xét tạo điều kiện cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển trên cơ sở các cơ chế hiện tại, còn "chờ cơ chế mới rất mất thời gian". Ảnh: Hải An. |
Bàn đến liên kết vùng nhưng theo ông Thăng, các cửa ngõ ra vào TP.HCM đều tắc. Sân bay Tân Sơn Nhất, đường vào Tân Cảng cũng tắc hàng chục km. Ông Thăng cho rằng để giải quyết “tình hình gay go” hiện tại, các bộ ngành xem xét giúp vùng trong cơ chế hiện tại, còn “chờ cơ chế mới thì rất mất thời gian”.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Đại học Mở TP.HCM, cho rằng tình trạng kẹt xe tại cửa ngõ, đường vào cảng, sân bay đang là những thách thức nghiêm trọng của vùng. Trời mưa lớn thì TP.HCM, Thủ Dầu Một (Bình Dương), Biên Hoà (Đồng Nai) sẽ ngập nặng.
Theo PGS Phúc, quyết tâm chống tắc, chống ngập đã được thể hiện từ hơn 10 năm trước thông qua hàng loạt văn bản, kiến nghị. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, ô nhiễm môi trường, ngập nước ngày càng nặng nề hơn. Nguyên nhân được cho là cơ quan điều phối phát triển vùng chưa đủ mạnh, nguồn lực phát triển vùng không đủ dẫn đến một số mục tiêu thiếu tính khả thi.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế, cho rằng các tỉnh đang phát triển dựa vào quyền lực độc lập của mình. Do đó, từ cơ chế đến vai trò, chức năng của 64 tỉnh thành đều giống hệt nhau. “Chúng tôi gọi là 64 nền kinh tế nằm cạnh nhau. Quan hệ anh em thì có nhưng quan hệ kinh tế thì không”, PGS Thiên nói.
Theo Viện trưởng Viện Kinh tế, cơ chế liên kết vùng hiện nay chưa đụng đến hai vấn đề cốt lõi là quyền lực và nguồn lực của vùng. “Liên kết vùng không phải cứ xuân thu nhị kỳ các tỉnh lên họp với nhau. Vùng không phải từng tỉnh cộng lại mà phải có một cơ chế quản trị điều hành”.
Theo Hà Hương (Zing.vn)