Cho rằng tiếng khen của người dân với lĩnh vực cấp sổ đỏ tăng rất nhiều, nhưng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, vẫn còn tình trạng cấp rồi nhưng chưa phát, chờ xem có “màu mè”, phong bì gì không.
Tại hội nghị trực tuyến của Thành ủy, UBND TP, HĐND thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã quý 2.2017 diễn ra sáng nay, 23.6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở đạt kết quả rất tốt, xấp xỉ 97-98% với đăng ký lần đầu, nhiều quận, huyện đạt 100%.
Theo ông Hải, giải quyết được vấn đề đất đai là giải quyết được 70-80% khiếu nại tố cáo liên quan đến lĩnh vực này.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho hay ông biết rất nhiều quận, huyện, xã, phường đã phải chia nhau làm đêm, từ phó chủ tịch thành phố, giám đốc sở xuống tận nơi tháo gỡ… Những tiếng khen của người dân trong lĩnh vực này rất rõ, trước đây dân nói muốn làm sổ đỏ nộp ra đây 300 triệu, nhưng giờ khen rất nhiều.
“Vừa rồi nói còn một số hồ sơ đã có sổ đỏ nhưng chưa phát hết vì người dân chưa nộp đủ tiền, cần tiếp tục tháo gỡ. Nhưng cũng có tình trạng ngồi chờ, xem dân lên có quan hệ, màu mè, có phong bì gì không. Vẫn còn tiếng kêu của người dân, doanh nghiệp vì còn nhũng nhiễu. Dù ít hơn ngày xưa nhưng dỏng tai lên nghe vẫn còn. Tôi nói thế để lãnh đạo quận, huyện tăng cường thanh kiểm tra, số chưa được cấp còn lại rất ít nhưng rất khó làm, phải quyết liệt”, Bí thư Hà Nội yêu cầu.
Ô nhiễm môi trường rất cấp bách
Cũng theo Bí thư Hà Nội, tình trạng môi trường thành phố đang cấp bách và đáng báo động. Thành ủy đã phải ra một nghị quyết về môi trường, để tập trung nguồn lực và quyết tâm cải thiện.
Cụ thể, chỉ số API (ô nhiễm môi trường) 3 tháng đầu năm 2017 của Hà Nội là 123, nằm trong phạm vi cảnh báo. Nồng độ bụi PM2.5 gấp 2 lần tiêu chuẩn quốc gia. Theo số liệu đo 37 ngày, nồng độ PM2.5 cao hơn hướng dẫn của WHO. Phương tiện giao thông đóng góp 70-90% nguồn ô nhiễm của TP, 10-30% từ các khu công nghiệp, công trình xây dựng. Hà Nội cũng đang có 50 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng.
70-90% ô nhiễm môi trường Hà Nội do phương tiện giao thông. ẢNH TN |
Mong muốn của thành phố là làm sống lại các dòng sông, hồ chứa. Hà Nội hiện có 1.800 hồ, trong đó có 152 hồ thuộc nội thành, hơn 10 dòng sông. Để làm sạch các dòng sông, các hồ phải đưa nước sông Hồng, sông Đà vào, tốn hàng chục nghìn tỉ đồng, nếu không kiên quyết sẽ không thể làm được.
“Tôi thấy tình trạng té nước theo mưa, cứ mưa là hàng chục nơi thi nhau xả nước thải, phải kiểm soát chặt các nguồn xả thải. Khi vụ hồ Tây xảy ra, kiên quyết đi ngăn chặn các nơi xả thải, yêu cầu thu gom về nhà máy xử lý nước, làm mấy tháng là đạt mục tiêu”, ông Hải nhấn mạnh.
Để giảm thiểu ô nhiễm không khí tiếng ồn, tới đây dự thảo Nghị quyết về quản lý phương tiện giao thông sẽ được trình HĐND TP xem xét, biểu quyết. Theo ông Hải, hiện trên địa bàn Hà Nội có 5.2 triệu xe máy và 450.000 ô tô, đến năm 2020 lên tới 6,5 triệu xe máy và 600-700.000 ô tô tham gia lưu thông. Khả năng môi trường không gánh chịu nổi ô nhiễm do phương tiện tăng nhanh, chưa nói đến tiếng ồn.
Ngoài ra, còn hàng loạt vấn đề như chất thải rắn, biến đổi khí hậu…, thách thức môi trường với người dân Hà Nọi rất lớn. Nếu không quyết liệt vấn đề môi trường, thế hệ sau sẽ phải gánh.
Về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, hiện đã có 18 vụ việc đã chuyển sang cơ quan điều tra. Ông Hải yêu cầu những dự án thanh tra thành phố được giao làm phải đẩy nhanh tiến độ để kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm này. Bí thư Hà Nội cũng nhấn mạnh tình hình vi phạm trật tự đô thị chưa giảm do chưa xử lý nghiêm, và đề nghị các quận, huyện có kế hoạch tập trung khắc phục từng trường hợp một, những trường hợp phát sinh mới phải tập trung giải quyết ngay và thật nghiêm. |
Theo Mai Hà (Thanh Niên Online)