“Nếu chúng ta cứ chủ quan, không đương đầu với nó thì những vấn đề đó ngày càng trở thành lớn và ngày sau chúng ta giải quyết nó rất phức tạp”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, trong cải cách hành chính Hà Đông đã phổ biến, xây dựng bàn, hệ thống máy tính, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4.
“Năm 2016 mới hoàn thiện bước đầu cấp độ 3, 4 về dịch vụ công trực tuyến nên còn rất nhiều khó khăn. Tôi nghe báo cáo 99% phấn khởi lắm nhưng tỷ lệ người dân mới là quan trọng chứ còn ông lắp ra hệ thống đó chưa là cái gì cả”, Bí thư Hải nêu.
Ông Hải cũng cho hay, khi làm cải cách hành chính thì phải biết là tiếp, xử lý thủ tục hành chính với mỗi người dân hết mấy phút. “Năm 2015 mất mấy phút, năm 2016 mất bao nhiêu, phường Văn Quán mất bao nhiêu… chứ mình nói chung chung thế này thì thành khen nhau”, ông Hải yêu cầu.
Theo ông Hải, phải có người quản lý, giám sát và các phường phải kiểm tra chéo lẫn nhau. “Nếu mình không đi vào thực chất, cái gì cũng ào ào cho xong chuyện thì vứt, thiếu trách nhiệm với người dân. Tôi bảo năm nay, mất nửa tiếng của người dân nhưng sang năm mất 10 phút, sang năm nữa lại giảm thì người ta thấy sự tiến bộ và mình biết tại sao nó lại lâu đến thế”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, các thủ tục hành chính luôn luôn có thể hợp lý hóa được khi mình đặt ra mục tiêu.
“Xuống nhiều nơi một cửa chúng ta khang trang, sạch đẹp rồi nhưng ngay ông một cửa hỏi tiếp mỗi người dân mấy phút thì không biết. Việc của anh làm sao là người dân được giải quyết nhanh nhất để đi về chứ không phải xây dựng lên cho mát mẻ, nước uống thế này, bác cứ ngồi đây chơi bao lâu tùy thích.
Vì vậy, mình mới xây dựng quy tắc ứng xử là không được làm việc riêng trong giờ mà phải tập trung giải quyết công việc cho người dân. Nhiều người dân đã thắc mắc là ông ấy ngồi nói chuyện điện thoại suốt nửa tiếng phải ngồi chờ. Việc cải cách hành chính phải đi vào chi tiết như vậy”, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu.
Theo Trường Phong (Tiền Phong)