Hàng trăm người tập trung hò hét, không đeo khẩu trang
Liên quan đến ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng, bệnh nhân 2982, Thường trực Thành uỷ Đà Nẵng đã có cuộc họp với các Sở, ban, ngành, quận huyện dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng.
Tại cuộc họp, ông Quảng nhận định tình hình dịch quốc tế và trong nước diễn biến phức tạp mà Đà Nẵng là 1 điểm nóng. Đặc biệt, bệnh nhân 2899 là công dân nhập cảnh, được cách ly tại Đà Nẵng nhưng khi về địa phương thì lây bệnh ra cộng đồng.
Bí thư Quảng cho hay, Thủ tướng, Phó Thủ tướng thường trực, Bộ trưởng Bộ Y tế liên tục gọi điện đề nghị Đà Nẵng báo cáo. Có cuộc gọi chất vấn trực tiếp Bí thư Đà Nẵng vào nửa đêm.
"Các chất vấn về việc này vì có giả thiết, lập luận rằng chúng ta đã để cho việc lây nhiễm trong khu cách ly đối với công dân này dẫn đến sự việc sau khi về địa phương làm lây nhiễm cho các người ở cộng đồng", Bí thư Quảng nói.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cho biết, cùng với ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phải chịu trách nhiệm về những hạn chế trong công tác phòng dịch trước Thủ tướng và Chính phủ. Thủ tướng trước đó trong cuộc họp cũng đã trực tiếp 2 lần phê bình Đà Nẵng.
"Tôi đề nghị ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố phải đánh giá việc thực hiện, phải nói rõ các mặt hạn chế và nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu và các cơ quan liên quan.
Tôi nhắc lại phải đánh giá cho được trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu và các cơ quan có liên quan. ĐàNẵng phải kết luận rõ ca bệnh là công dân Hà Nam, rà soát để làm rõ những điểm nào còn sơ hở, trách nhiệm đến đâu.
Ví dụ trong khu cách ly làm tốt, nhưng việc để cho họ tự do đi lại bằng xe thì là trách nhiệm của ai?", Bí thư Đà Nẵng yêu cầu.
Đặc biệt, ông Quảng cho biết dù nhiều cán bộ tham dự cuộc họp nhận trách nhiệm, thiếu sót nhưng thực sự đã thay đổi để có trách nhiệm phòng chống dịch hay chưa. Ông Quảng cũng trực tiếp nêu dẫn chứng về sự lơ là khi kể lại việc đi thị sát trong suốt 2 tiếng đồng hồ vào tối hôm trước.
"Tối qua tôi đi gần 2 tiếng, đi nhiều đường phố nhưng không thấy các lực lượng nào của công an hoặc các lực lượng đi xử lý các hành vi như đeo khẩu trang và các hành vi khác.
Tôi đi cầu Rồng, 2 bên đường tập trung nhiều người đứng ở đây để xem cầu Rồng phun lửa nhưng không đeo khẩu trang, không ai nhắc nhở, không ai kiểm tra. Tôi phải gọi điện cho anh Viên (Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an Đà Nẵng) yêu cầu đưa lực lượng ra giải tán đám đông.
Tôi quan sát dọc đường người có đeo khẩu trang, người không. Đi qua Sơn Trà thì thấy có 1 xe phát loa cảnh báo, qua Cẩm Lê không thấy.
Tôi đi qua đường Yên Bái thì có 1 điểm gần nhà vệ sinh công cộng tập trung hò hét. Hàng trăm người không đeo khẩu trang. Tôi điện cho anh bí thư quận thì mới ra giải tán.
Chúng ta xem đã làm đúng chưa, nhất là về công tác kiểm tra thực hiện", Bí thư Quảng nói.
"Ai không làm thì gửi văn bản"
Bí thư Đà Nẵng nhận định, dù đã trải qua hơn 1 năm chiến đấu với giặc Covid-19 nhưng nhiều người đứng đầu các đơn vị vẫn chưa nắm rõ trách nhiệm. Tình trạng "quyền anh, quyền tôi" vẫn còn tồn tại trong tổ chức triển khai.
Theo ông Quảng, việc phòng chống dịch là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà cả hệ thống phải vào cuộc. Các đơn bị không được lấy lý do việc của tôi nhiều mà thoái thác trách nhiệm.
Bí thư Đà Nẵng cũng đã trực tiếp phê bình Công an Đà Nẵng vì rút ra khỏi các điểm cách ly tập trung.
"Tôi chưa biết Bộ Công an có chỉ đạo gì về văn bản, nhưng các anh tự ý rút ra khỏi điểm cách ly tập trung là vi phạm. Các anh nhớ cho đây cũng là một nhiệm vụ chính trị của thành phố. Đây là việc làm từ trước đến nay chứ đâu phải bây giờ mới có, các anh có mặt thì chất lượng công việc ở đó nó khác đi rất nhiều", ông Quảng nói.
Ngoài ra theo Bí thư Quảng, chính quyền Đà Nẵng dù đã có văn bản xin Thủ tướng Chính phủ dừng việc nhận người nhập cảnh từ nước ngoài theo các chuyến bay nhân đạo nhưng chưa được đồng ý. Do vậy, trách nhiệm của Đà Nẵng là vẫn tiếp tục làm chứ không thể vì lý do này, lý do khác mà rút ra.
"Nếu cơ quan nào không làm thì có văn bản gửi ban chỉ đạo chứ không thể nói miệng", ông Quảng yêu cầu.
Theo Bảo Ngọc (Tổ Quốc)