Đó là bệnh nhân nam L.M.T. (31 tuổi, quê Vĩnh Long). Cách thời điểm nhập viện khoảng 20 phút, bệnh nhân đi ra sau vườn thì bị ong đốt nhiều mũi vào đầu, lưng, tay chân. Sau khi bị ong tấn công, bệnh nhân choáng váng cố gắng đi vào nhà, nhưng đã ngất xỉu ngoài vườn và được người nhà phát hiện, kịp thời đưa đi cấp cứu.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, da tím tái, mạch không bắt được, huyết áp không đo được.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị sốc phản vệ do ong đốt, ngưng tim, ngưng thở ngoại viện. Ngay lập tức, người bệnh được cấp cứu ngưng tuần hoàn, hô hấp tích cực, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, tiêm Adrenalin. Sau 5 phút cấp cứu bệnh nhân có mạch và huyết áp trở lại, được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, điều trị theo phác đồ sốc phản vệ. Sau 6 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua được nguy kịch, sức khỏe dần bình phục.
BS.Nguyễn Hoàng Duy cho biết, sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Phản ứng này có thể xảy ra trong vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với các chất dị ứng như thuốc, nọc độc, ong chích, kiến đốt. Sốc phản vệ cũng có thể xảy với các món ăn như cá ngừ, tôm, tép, ốc, trứng, sữa, khoai tây, đậu phộng, đậu nành…
Sốc phản vệ khiến hệ thống miễn dịch giải phóng một lượng lớn chất trung gian hóa học có thể gây sốc, huyết áp giảm đột ngột, bít hẹp đường thở, thậm chí ngưng tim và tử vong. Do đó, trường hợp người bệnh có triệu chứng bất thường sau khi tiếp xúc thức ăn, côn trùng, thuốc, vắc xin… cần nhanh chóng đưa vào cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Theo Vân Sơn (Tiền Phong)