Bị lừa vé máy bay Tết, người Việt tại Australia cần làm gì?

07/01/2016 07:22:20

Trao đổi với chúng tôi, luật sư gốc Việt tại Australia tư vấn, các nạn nhân cần tận dụng 3 kênh: hình sự, dân sự và chính trị với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, và truyền thông.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư gốc Việt tại Australia tư vấn, các nạn nhân cần tận dụng 3 kênh: hình sự, dân sự và chính trị với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, và truyền thông.
Vị luật sư gốc Việt tại Australia cho biết có 2 kênh quan trọng để các nạn nhân của vụ lừa đảo vé máy bay Tết có thể liên hệ: Cảnh sát và cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Consumer Affairs.
 
Các nạn nhân, theo vị luật sư này, nên thông qua cơ quan bảo vệ người tiêu dùng để giúp khởi tố. Việc xử lý qua hình thức trọng tài hay tòa án tùy theo tính chất vụ việc.
 

 Luật sư Nguyễn Hồng Bách.

 
Các nạn nhân cũng nên tập hợp thành nhóm, để tiếng nói có trọng lượng hơn. Khi tiếp xúc với Customer Affairs, nhóm đại diện nên lên văn phòng, yêu cầu có cuộc họp với trưởng phòng để trình bày, thay vì gọi điện thoại hay email. Các văn phòng Consumer Affairs mở cửa mỗi ngày và nguồn lực của họ khá tốt...

Cơ quan này có trách nhiệm liên hệ với các tổ chức khác trong cơ quan nhà nước... và bản thân họ cũng có một bộ phận điều tra.

Trên cơ sở báo cáo của các nạn nhân, cảnh sát Australia sẽ tiến hành điều tra. Nếu xác định đây là vụ lừa đảo, họ sẽ khởi tố theo luật hình sự, đồng thời, sẽ tiến hành bồi thường dân sự.

Vị luật sư này tư vấn, các nạn nhân nên chờ xử lý hình sự thành công rồi mới tiến hành tố dân sự để bồi thường.

Bên cạnh việc tiến hành báo cáo ở 2 kênh: hình sự qua cảnh sát, dân sự với bảo vệ người tiêu dùng, vị luật sư tư vấn một kênh quan trọng là vận động thời sự chính trị qua cộng đồng người Việt và báo chí truyền thông.

“Muốn cảnh sát Australia hành động nhanh hơn, Hội sinh viên Việt Nam tại Melbourne nên chủ động liên hệ với các đài truyền hình thời sự như “A Current Affairs”.

Các nạn nhân cũng nên thuê luật sư để đại diện nói chuyện với các kênh truyền hình. Đồng thời, các bạn nên tìm kiếm và huy động sự trợ giúp từ giới chức chính phủ cả hai nước, thông qua dân biểu Australia và Đại sứ quán, lãnh sự quán.

 Vị luật sư này cũng tư vấn sinh viên Việt Nam tại Australia có thể liên hệ nhờ các tổ chức cộng đồng người Việt tại Australia, vốn là cộng đồng tương đối mạnh và có tiếng nói, sẵn sàng kết nối cộng đồng. Cộng đồng người Việt tại địa phương có thể vận động chính quyền và báo chí, để lên tiếng hỗ trợ cho các bạn.

Trong khi đó, trên mạng xã hội, các bạn sinh viên cũng chia sẻ với nhau nhiều hình thức, nhiều kênh để tìm sự trợ giúp và xử lý việc lừa đảo.

“Các bạn có thể gọi tới The Victims of Crime Help Line 1800 819 817 để nhờ giúp đỡ. Hành vi nhiều người ở nhiều bang nên là một dạng tội phạm rồi. Đường dây này làm việc từ 8h sáng đến 11h tối, từ thứ hai đến thứ sáu”, Nguyễn Phương, một du học sinh, chia sẻ.

Những người quản lý của diễn đàn du học sinh tại thành phố Melbourne cho biết, nếu các bạn học sinh cần sự bảo vệ của chính phủ Australia thì có thể tìm tới Consumer Affairs Victoria (http://www.consumer.vic.gov.au/).

Bên cạnh đó, facebook Pretty Sunshine kêu gọi những người khác gọi vào số điện thoại +84 511 3832320, để kiểm tra tình trạng vé của Vietnam Airlines.

Hiện nay, cảnh sát bang New South Wales đã vào cuộc sau khi nhận được nhiều tin báo. Chiều 7/1, các nhân viên điều tra của bang NSW đã đến làm việc với đại diện Vietnam Airlines, và đại diện các nạn nhân tại văn phòng đại diện của hãng hàng không tại Sydney, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.

Cảnh sát đã lấy thông tin, lời khai từ đại diện của Vietnam Airlines, Hội sinh viên năng động Việt Nam bang NSW (VDS) và một số du học sinh là nạn nhân trong vụ việc này.

Trong khi đó, Stephen Mcdaid, cảnh sát tại bang New South Wales, khuyến cáo: “Các bạn nên khai báo tại sở cảnh sát và không nên gửi email tố cáo. Tiếp nhận một lượng thông tin lớn như vậy khiến chúng tôi rất dễ nhầm lẫn”.

Cam kết hỗ trợ pháp lý

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Sydney Hoàng Minh Sơn cam kết sẽ hỗ trợ về mặt pháp lý (tác động tới các cơ quan chức năng bạn để sớm điều tra, tìm ra thủ phạm), đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình, chờ thông báo điều tra từ cảnh sát Australia.

Ông Hoàng Minh Sơn cũng khuyên các du học sinh bình tĩnh, tránh kích động hay nghe theo những lời xúi bẩy tập trung đông người. Thay vào đó, luôn tuân thủ luật pháp nước sở tại và phải dựa vào các thông báo chính thức từ cơ quan chức năng.

Đại diện Vietnam Airlines tại Sydney cũng cho biết sẽ làm hết sức mình, sẵn sàng hỗ trợ các du học sinh bằng cách giải đáp mọi thắc mắc cũng như giúp xác định vé máy bay đã đặt có thật hay không, hỗ trợ để những sinh viên có nhu cầu có thể mua lại vé để về nhà ăn Tết.

Những du học sinh và người nhà có con em bị kẹt tại Australia do mua phải vé giả có thắc mắc hay cần hỗ trợ từ Vietnam Airlines có thể gửi thư điện tử đến địa chỉ email: [email protected].

Hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney và Văn phòng đại diện Vietnam Airlines cùng Ban chấp hành VDS đang tiếp tục nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng phía bạn tìm cách hỗ trợ, giải quyết vụ việc.

Ngân hàng vào cuộc

Ngoài ra, một bạn có tên facebook là Miao Zore khuyên rằng: “Nếu các bạn đã chuyển tiền qua ngân hàng thì nên phản ánh với ngân hàng đó. Thời gian giải quyết có thể kéo dài từ khoảng 21 ngày đến 45 ngày tuỳ loại thẻ và ngân hàng mà các bạn sử dụng”.

Sau một ngày nhốn nháo với hàng loạt khiếu nại, ngân hàng Commonwealth Bank chi nhánh tại khu vực Melbourne Central cho biết, họ đồng ý giúp những người Việt gặp rắc rối về việc mua vé máy bay của chủ sở hữu facebook Vi Tran.

Đại diện ngân hàng cho hay, các nạn nhân phải chủ động mang thông tin cùng thẻ ngân hàng tới để giải quyết. Ngân hàng không chấp nhận các trường hợp nộp hộ.

Hiện tại, Commonwealth Bank ở khu vực Melbourne Central đã tiếp nhận ít nhất 30 trường hợp.

Đại diện ngân hàng ANZ cho biết, họ cũng nhận được phản ánh tại nhiều chi nhánh.

Cẩn trọng với giao dịch trên mạng xã hội

Facebook là một mạng xã hội, người dùng cần lưu ý khi sử dụng bởi các thông tin tại đó thiếu tính minh bạch, Luật sư Nguyễn Hồng Bách cảnh báo. Trên thực tế, nhiều trường hợp lừa đảo trên facebook đã diễn ra. Cơ quan chức năng sẽ gặp khó khăn khi điều tra và kiểm chứng đối với những thông tin đăng trên mạng.

Khi xảy ra trường hợp lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc tìm ra nghi phạm.

Với vụ việc tại Australia, vì nghi phạm và phần lớn các nạn nhân đang ở nước ngoài, họ nên gửi đơn trình báo đến cơ quan chức năng tại nước sở tại.

Bên cạnh đó, người Việt có thể nhờ sự can thiệp của Đại sứ quán Việt Nam ở Australia.

Ngoài ra, trước khi tố cáo, người bị hay nên chuẩn bị sẵn các thông tin và chứng cứ cụ thể, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng điều tra và xác minh. Ví dụ, nếu chuyển khoản, các bạn cần xác nhận giao dịch của ngân hàng hoặc phiếu chuyển tiền, tên chủ tài khoản mà bạn gửi tiền và số tài khoản đó.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Cách tốt nhất để chúng ta phòng chống thực trạng này là trước khi thực hiện giao dịch, các bạn nên kiểm tra tính pháp lý của người bán, tránh trường hợp vì tham rẻ mà mất tiền và lỡ việc.

Các đại lý bán vé máy bay thường rất công khai thông tin. Họ có chức năng và thẩm quyền. Các bạn nên tránh mua vé của các trang tin và những người không đáng tin cậy.

Khi bị lừa rồi mới đi thông báo, các bạn sẽ làm mất thời gian của bản thân và các cơ quan chức năng. Hơn nữa, nhiều khả năng các bạn không thể lấy lại tài sản.
 
>> Trên 300 du học sinh Việt báo bị lừa 400.000 AUD mua vé máy bay Tết
>> Du học sinh Việt ở Úc rúng động sau cú lừa mua vé máy bay Tết

Theo Kim Ngân - Phương Loan (Zing.vn)

Nổi bật